Chứng khoán Mỹ ước tính mất 1 nghìn tỷ USD vì lập trường cứng rắn của ông Trump

(BĐT) - Theo nhà chiến lược định lượng hàng đầu của Ngân hàng JPMorgan, lập trường và tuyên bố cứng rắn về thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thị trường chứng khoán mất hơn 1 nghìn tỷ USD.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

“Bằng cách áp luồng tin tức liên quan đến thương mại, cả tích cực lẫn tiêu cực, vào thị trường chứng khoán, chúng tôi ước tính tác động của nó lên chứng khoán Mỹ có thể là âm 4,5% kể từ tháng Ba”, chuyên gia Marko Kolanovic thuộc JPMorgan cho biết. “Xét đến mức vốn hóa thị trường hiện nay, tỷ lệ trên tương đương với 1,25 nghìn USD giá trị thị trường thiệt hại đối với doanh nghiệp Mỹ. Con số này bằng khoảng 2/3 giá trị của tất cả các biện pháp kích thích tài chính”, ông Kolanovic nói.

Trong nhiều tháng qua, ông Trump đã sử dụng phát ngôn cá nhân và biện pháp thuế quan nhằm cố gắng thay đổi các thỏa thuận thương mại mà ông cho là có hại, hoặc không công bằng đối với kinh tế Mỹ.

Thương mại tiếp tục là chủ đề căng thẳng giữa Mỹ và các đồng mình chủ chốt, cũng như đối với các nhà đầu từ Phố Wall. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm hơn 200 điểm ngay sau khi ông Trump quyết định áp thuế nhôm và thép nhập khẩu đối với Canada, Mexico và EU. Các quốc gia đã đáp trả Mỹ bằng cách áp thuế đối các mặt hàng xuất khẩu của nước này như thịt lơn, bơ đậu phộng và xe máy.

Ông Trump, người liên tục nhấn mạnh mức tăng của chứng khoán dưới thời lãnh đạo của mình, hoàn toàn có thể giúp cổ phiếu bay cao hơn nếu ông kiềm chế những phát ngôn cứng rắn về thương mại, các chuyên gia tại JPMoran nhận định.

Ông Kolanovic, người đứng đầu mảng chiến lược định lượng và phái sinh toàn cầu của JPMorgan, đã dự đoán đúng về sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán hồi đầu năm nay, và nhấn mạnh rằng sự tự mãn cùng với mức đòn bẩy cao trên thị trường là các dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên trong báo cáo được công bố hôm 6/6, ông Kolanovic nhấn mạnh rằng ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại là yếu tố bất lợi “đáng kể” đối với thị trường.

“Một chiến lược thương lượng sử dụng những lời đe dọa có thể thành công trong đàm phán song phương, nhưng nhiều khả năng sẽ thất bại trong một hệ thống phức tạp như thương mại toàn cầu”, ông Kolanovic cho hay. “Giá trị bị phá huy bởi một cuộc chiến thương mại có thể được đảo ngược nếu các chính sách được đảo ngược, trong khi tác động tích cực của các biện pháp tài chính có thể vẫn duy trì. Điều này có thể là chất xúc tác giúp thị trường tăng 4%”, vị chiến lược gia của JPMorgan nhận định.

“Tuy nhiên, nếu sự không chắc chắn này treo trên thị trường trong một thời gian dài hơn, thiệt hại sẽ trở nên vĩnh viễn và xác suất về hậu quả kéo theo sẽ tăng lên. Căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục gây hại đến tâm lý và niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư”, ông Kolanovic kết luận.

Thực tế, nỗ lực cân bằng cán cân thương mại của ông Trump có thể sẽ giúp ích cho nền kinh tế Mỹ. Thâm hụt thương mại dường như đang giảm, hạ xuống mức thấp nhất nhất 7 tháng vào tháng Tư vừa qua. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại giảm 2,1% xuống 46,2 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Nếu xu hướng này tiếp tục, thương mại có thể đóng góp vào tổng sản phẩm quốc quốc nội (GDP) trong quý II/2018, được củng cố bởi sức mạnh của ngành sản xuất và chi tiêu tiêu dùng.

Chuyên đề