3 nhầm lẫn tai hại làm thay đổi kết quả trận chiến

Trong chiến tranh, một sai lầm nhỏ cũng trở thành thảm họa, nhất là khi nguồn tiếp tế bị nhầm khiến người lính phải chiến đấu mà không có đạn dược.
Trận đánh giữa lính Anh với bộ tộc Asante. Ảnh:Teachwar.
Trận đánh giữa lính Anh với bộ tộc Asante. Ảnh:Teachwar.

Nhầm hòm bánh bích quy với đạn

Năm 1824, lực lượng quân Anh do Ngài Charles Mccarthy chỉ huy tiến hành một trong những cuộc viễn chinh điển hình của đế chế Anh, nhằm đè bẹp sự kháng cự của những người dân bản địa tại làng Bonsaso ở Tây Phi.

Đối mặt với cuộc tấn công của 10.000 chiến binh bộ tộc Asante, lính Anh xếp đội hình vuông và bắn liên tục về phía quân địch để chống trả, theo War History.

Dù gặp bất lợi lớn về quân số, quân Anh có lợi thế là được trang bị súng, họ có thể giữ an toàn cho bản thân miễn là giữ vững đội hình. Dù hứng chịu thiệt hại vì súng đạn của quân Anh, các chiến binh bộ tộc Asante không chịu rút lui, giữ khoảng cách an toàn và chờ đợi thời cơ tấn công.

Bắn mãi cũng hết đạn, lính Anh bắt đầu tìm tới Charles Brandon, người quản lý kho hậu cần quân đội vừa bê các thùng đạn từ bờ biển lên. Brandon và những người lính mở các hòm đạn dự trữ và thấy bên trong chứa đầy bánh bích quy.

Hóa ra người quản lý này đã nhầm các thùng đạn với thùng bánh, nhưng sai lầm đó đã khiến quân Anh trả giá quá đắt. Do hết đạn, Mccarthy ra lệnh rút quân nhưng đã quá muộn. Quân Anh gần như bị xóa sổ, còn hộp sọ Mccarthy trở thành cốc uống nước của tộc trưởng Asante.

Nhầm hòm đạn với thùng chứa vàng

Quân đội Anh tiếp tục mắc sai lầm trong cuộc viễn chinh ở Sudan giai đoạn 1884-1885. Nhiệm vụ của lực lượng viễn chinh là giải cứu tướng Gordon và quân đồn trú bị quân đội Mahdist bao vây ở Khartoum.

Một trong số lý do khiến đội quân viễn chinh đến muộn là họ bị tấn công trên đường đi, trong đó có cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đầy ác liệt trước các nhóm nổi dậy Hồi giáo ở Abu Klea.

Phải chống lại đội quân đông gấp 10 lần, lính Anh cũng nhanh chóng hết đạn và phải mở thùng đạn dự trữ. Lần này họ không tìm thấy đạn hay bánh bích quy, mà là các đồng tiền vàng. Đây là số vàng dùng để chi trả cho các bộ tộc đồng minh, nhưng đã bị lính Anh tìm cách biển thủ.

Cuối cùng, quân Anh vẫn đẩy lùi được các nhóm nổi dậy Hồi giáo, nhưng lại đến quá muộn và không thể cứu lực lượng bị bao vây ở Khartoum.

Kẹo Tootsie Rolls

Quân Anh không phải lực lượng duy nhất gặp hoàn cảnh trớ trêu từ sai lầm trong khâu tiếp tế. Quân đội Mỹ trong lực lượng Liên Hợp Quốc tham chiến trong chiến tranh Triều Tiên cũng đã nếm trải hậu quả của sai lầm này khi đối đầu với lực lượng Chí nguyện quân Trung Quốc tại hồ Chosin.

Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/1950, 20.000 quân Mỹ bị 120.000 quân tình nguyện Trung Quốc bao vây nhằm đánh bật họ khỏi các cứ điểm phòng ngự gần hồ Chosin.

Bị cắt đứt nguồn tiếp tế, quân Mỹ nhanh chóng cạn kiệt các loại đạn dược, trong đó có đạn cối. Cách duy nhất để tiếp tế cho lực lượng bị bao vây là thả dù, hoạt động rất nguy hiểm do vấp phải hỏa lực phòng không của quân Trung Quốc. Sau khi gần hết đạn, sư đoàn pháo cối của thủy quân lục chiến Mỹ đã dùng điện đàm gọi về sở chỉ huy, yêu cầu tiếp tế "Tootsie Rolls", ám hiệu lính Mỹ sử dụng để gọi đạn cối.

Không may là nhân viên kho hậu cần lại không hiểu ám hiệu này. Họ đã điều máy bay thả những thùng hàng chứa kẹo mềm Tootsie Rolls xuống chiến trường thay vì đạn cối. Trong hai tuần tiếp theo, lính Mỹ chỉ biết ăn kẹo Tootsie Rolls để cầm cự, trước khi phá được vòng vây.

Lính Mỹ tham chiến tại Triều Tiên. Ảnh:Pinterest.

Trận chiến này được coi là thắng lợi của Trung Quốc khi buộc quân Mỹ rút lui hoàn toàn khỏi Triều Tiên. Góp phần quan trọng vào thất bại này của quân Mỹ chính là ám hiệu mang tên Tootsie Rolls.

Chuyên đề