Vụ cầu vừa thông xe đã sập ở Cà Mau: Vẫn chờ kết luận cuối cùng

(BĐT) - Trong báo cáo sơ bộ về nguyên nhân sập cầu Ô Rô ở huyện Ngọc Hiển do UBND tỉnh Cà Mau gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, câu trả lời cuối cùng cho sự cố nói trên vẫn chưa được “chốt hạ”.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Chưa tìm ra nguyên nhân cuối cùng sự cố sập cầu

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, cầu Ô Rô thi công từ năm 2013, có chiều dài 84m, bề ngang 3,5m, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng, được thông xe kỹ thuật vào ngày 4/2/2016. Trong quá trình thi công Dự án Xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã Đất Mũi, đã không phát hiện dấu hiệu gì bất thường dù hàng ngày nhiều phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng lưu thông qua cầu này. Tuy nhiên, đến khoảng 1 giờ 25 phút sáng 5/8/2016, cầu Ô Rô bị sập hai nhịp.

Tổ điều tra sự cố gồm 12 cán bộ lãnh đạo, kỹ thuật thuộc Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, do ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm Tổ trưởng đã chỉ định Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi South) thực hiện kiểm định phục vụ đánh giá nguyên nhân.

Theo ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, nguyên nhân sập cầu là do hiện tượng sụp và trượt đất nền đường đầu cầu làm cho mố cầu bị đẩy ra phía sông 3,64m kéo theo sập nhịp cầu. Sự cố này nhà thầu thi công công trình sẽ có trách nhiệm khắc phục. Sau 20 ngày tính từ ngày 15/8/2016, Tổ điều tra sự cố nói trên sẽ báo cáo UBND Tỉnh kết quả công tác giám định nguyên nhân sự cố khi có kết quả của một số tổ chức giám định chuyên nghiệp.

Như vậy, đến thời điểm này, nguyên nhân cuối cùng dẫn đến việc sập cầu Ô Rô hiện vẫn chưa được tìm ra.

Nhà thầu không trốn tránh trách nhiệm?

Đến thời điểm này, nguyên nhân cuối cùng dẫn đến việc sập cầu Ô Rô hiện vẫn chưa được tìm ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mới đây đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển chỉ đạo dừng thi công hoàn thiện công trình cầu Ô Rô và cầu Hàng Dày, đồng thời bảo vệ hiện trường sự cố công trình. Cũng cần nói thêm, mố MB cầu Hàng Dày cách mố MA của cầu Ô Rô chỉ khoảng 50m. Để đảm bảo ổn định đường đầu cầu, trong thời gian chờ xác định rõ nguyên nhân, các đơn vị liên quan phải có giải pháp giảm tải trọng đất đắp sau lưng mố MB cầu Ô Rô.

Cầu Ô Rô thuộc Dự án Xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Nguồn vốn thực hiện dự án này từ trái phiếu chính phủ, do UBND huyện Ngọc Hiển làm chủ đầu tư, bên mời thầu là Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Ngọc Hiển, đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn thương mại xây dựng Sử Thành Phú, đơn vị giám sát thi công là Công ty CP Đầu tư xây dựng An Phú.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu sáng 25/8/2016, ông Sử Thành Phú, Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn thương mại xây dựng Sử Thành Phú cho biết, sau khi sự cố xảy ra, dù chưa có kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng, nhưng với tư cách là nhà thầu, ông cũng chịu rất nhiều áp lực từ phía dư luận. Riêng việc các cơ quan chức năng cũng như giới truyền thông kết nối điện thoại với ông rất khó kể từ sau khi sự cố sập cầu Ô Rô xảy ra, ông Phú cho biết, tại thời điểm đó ông đang nằm điều trị mắt ở bệnh viện nên không tiện liên lạc, chứ không có ý lẩn tránh.

Trong một diễn biến khác, ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho rằng, với tư cách là chủ đầu tư, khi có kết luận cuối cùng, UBND huyện Ngọc Hiển sẽ làm theo đúng tinh thần chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Cũng như tinh thần của cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu ngày 16/8/2016, quan điểm của ông Tiến là bên nào sai thì bên đó phải chịu, bất kể đó là tổ chức hay cá nhân.

Chuyên đề