Sửa luật để ngăn chặn chuyển giá

(BĐT) - Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chuyển giao công nghệ (CGCN) qua các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. 
Nhiều doanh nghiệp FDI lợi dụng việc chuyển giao công nghệ để tiến hành chuyển giá. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều doanh nghiệp FDI lợi dụng việc chuyển giao công nghệ để tiến hành chuyển giá. Ảnh: Tiên Giang

Còn theo bà Trần Tuyết Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã lợi dụng hoạt động CGCN để tiến hành chuyển giá.

Vấn nạn chuyển giá và bất lực trong quản lý

Lấy một ví dụ cụ thể trong lĩnh vực lắp ráp ô tô, bà Trần Tuyết Nhung phân tích, để được hưởng chính sách ưu đãi trong CGCN, DN FDI đầu tư cho công ty con tại Việt Nam một dây chuyền máy móc, nhưng chỉ chuyển giao một công đoạn nhất định, rất nhỏ, đơn giản, mang tính lắp ráp. Họ chỉ đào tạo cho lao động của Việt Nam mỗi một công đoạn đó, còn lại các vị trí chủ chốt, vị trí “key” đều do họ thực hiện. Như vậy, hiệu quả của hoạt động CGCN gần như bằng không, đó là chưa kể đến việc các DN ngoại chuyển giá qua các hợp đồng CGCN.

Thông thường, hành vi chuyển giá này được thực hiện thông qua việc các công ty nước ngoài CGCN sản xuất, kinh doanh cho bên liên kết tại Việt Nam và thu tiền bản quyền. CGCN là loại hình chuyển giao tài sản vô hình, việc định giá đối với loại tài sản này rất khó khăn và mang tính đặc thù. Lợi dụng đặc tính này, DN liên kết ở nước ngoài thường tính phí bản quyền rất cao đối với công ty đa quốc gia tại Việt Nam, khiến cho chi phí đầu vào bị đẩy lên cao, kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, liên doanh tại Việt Nam chịu thiệt hại, còn khoản phí bản quyền được trả cho bên nước ngoài.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tình trạng chuyển giá này mang lại nhiều hệ quả xấu cho nền kinh tế như làm thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các DN tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ. “Để xảy ra tình trạng này, trước tiên, phải thừa nhận một điều là do chúng ta quản lý kém. Thứ hai là khi ký kết hợp đồng nhận CGCN, DN nội sinh Việt Nam chưa đưa ra được điều kiện bắt buộc DN nước ngoài CGCN…”, bà Trần Tuyết Nhung lý giải. 

Kỳ vọng vào việc sửa luật

Nhiều chuyên gia và DN kỳ vọng, việc sửa Luật CGCN được xem như một biện pháp góp phần cải thiện hiệu quả của hoạt động CGCN và ngăn chặn hành vi chuyển giá. “Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất khó”, bà Trần Tuyết Nhung nhận định và cho biết, Bộ KH&CN, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CGCN đang tiếp tục nghiên cứu các phương án và lấy ý kiến các bên liên quan để ngăn chặn tình trạng chuyển giá này.

Trong đó, cơ quan này đang tính đến việc khống chế phí chuyển giao đối với hợp đồng CGCN. Thứ hai là việc công ty FDI mẹ CGCN cho công ty con sẽ không được tính là CGCN và không được hưởng chính sách ưu đãi CGCN… Thứ ba là sửa đổi Danh mục hạn chế CGCN thành Danh mục chuyển giao có điều kiện. Thứ tư là xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về hoạt động CGCN, DN đăng ký hợp đồng CGCN khi được hưởng ưu đãi, từ đó góp phần xây dựng chính sách nhập khẩu hàng hóa…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, Bộ KH&CN đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CGCN. Việc xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi đang gặp nhiều khó khăn, phải đáp ứng yêu cầu là phải tạo môi trường thuận lợi cho các DN trong nước sử dụng ngân sách CGCN ra nước ngoài cũng như doanh nghiệp FDI CGCN vào Việt Nam; đồng thời hài hòa với các cam kết quốc tế của Việt Nam với thế giới.           

Luật Chuyển giao công nghệ quy định 3 danh mục (Danh mục công nghệ cấm chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao), nhưng thực tế là rất khó quản lý hoạt động này. Do đó, nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi lần này là làm thế nào để quản lý được hoạt động CGCN, đặc biệt là hạn chế tối đa tình trạng chuyển giá thông qua CGCN của các DN FDI. 

Chuyên đề