Phạm Công Danh chấp nhận một mình bồi thường thiệt hại

Phạm Công Danh cho rằng các bị cáo khác không được hưởng lợi gì nên bị cáo chấp nhận bồi thường hết. Bị cáo Danh cho rằng nếu thu hồi hết các khoản tiền nêu trên thì không còn thiệt hại và xin HĐXX xem đây là tình tiết giảm nhẹ.
Bị cáo Phạm Công Danh.
Bị cáo Phạm Công Danh.

Ngày 13/12, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Mở đầu phiên tòa, Phạm Công Danh liên tục than mệt, sức khỏe kém, trí nhớ kém. Đến lượt mình trả lời các câu hỏi, bị cáo Danh thường quên những gì bất lợi, nhưng lại “nhớ” và khẳng định những chi tiết có lợi cho mình.

Về mặt tội danh, ông Phạm Công Danh đồng ý với hành vi và tội danh bị xét xử, nhưng xin tòa xem xét bối cảnh phạm tội của mình. Cụ thể, ông Phạm Công Danh cho rằng khi tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín, ông chỉ thấy thông tin về khoản nợ của nhóm Phương Trang và khoản nợ của nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn.

Ngoài ra không có thông tin nào thể hiện bà Hứa Thị Phấn nâng khống giá trị tài sản dẫn đến việc VNCB không thu hồi được vốn, âm vốn chủ sở hữu sau này.

Ở cấp sơ thẩm, ông Danh cho rằng sai phạm của ông ở VNCB bị tách thành 2 vụ án gây bất lợi cho bị cáo. Song bị cáo sức khỏe yếu nên không nhớ toà sơ thẩm đã giải quyết chưa.

Cũng theo bị cáo Danh, trong vụ án có nhiều đồng phạm với bị cáo Phạm Công Danh về tội cố ý làm trái nhưng bản án sơ thẩm tuyên mình bị cáo có trách nhiệm phải bồi thường các khoản thiệt hại gây ra cho CB (tiền thân là VNCB).

Phạm Công Danh cho rằng các bị cáo khác không được hưởng lợi gì nên bị cáo chấp nhận bồi thường hết. Bị cáo Danh cho rằng nếu thu hồi hết các khoản tiền nêu trên thì không còn thiệt hại và xin HĐXX xem đây là tình tiết giảm nhẹ.

Theo nội dung vụ án, năm 2012, Thanh tra ngân hàng Nhà nước Việt Nam có kết luận về thực trạng của ngân hàng Đại Tín lỗ hơn 6.000 tỉ đồng, mất hết vốn điều lệ và âm tiếp gần 3.000 tỉ đồng, kết luận thanh tra nêu về thực trạng tín dụng, tài chính của ngân hàng này và các nguyên nhân, trách nhiệm của bà Hứa Thị Phấn.

Năm 2013 Phạm Công Danh tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, báo cáo tài chính năm 2012 của ngân hàng này, được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán Ernst & Young, thể hiện rất rõ tình hình tài chính của ngân hàng, có dẫn chiếu đến kết luận Thanh tra của ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trước tòa, Phạm Công Danh lại nghẹn ngào: “Tôi bị lừa khi mua Ngân hàng Đại Tín”.

Các bị cáo tại tòa.

Để “cứu” ngân hàng Phạm Công Danh phải huy động được tiền bằng mọi giá để giữ thanh khoản của Ngân hàng, Phạm Công Danh cùng đồng sự đã chi hơn 4.000 tỉ đồng chăm sóc khách hàng, không rõ địa chỉ.

Ngân hàng Xây dựng đã chuyển 5.190 tỉ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích khỏi tài khoản của bà Bích mà không có lệnh chi hợp pháp của chủ tài khoản. Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đã tự ý dùng sổ tiết kiệm của một số cá nhân làm tài sản đảm bảo để vay 300 tỉ đồng mà không hề có chữ ký của các cá nhân này.

Danh và các đồng phạm nêu bà Bích cho Danh vay tiền, bà Bích biết và đồng thuận với việc ngân hàng chuyển tiền không chứng từ. Nhưng thực tế khi bà Bích yêu cầu chuyển tiền khỏi tài khoản thì Danh và các bị cáo giấu thông tin, không cho bà Bích biết tài khoản không còn tiền, mà lập biên bản ngày 22/4/2014, ghi nhận yêu cầu của bà Bích và hứa sẽ giải quyết.

Chuyên đề