Chính phủ lo Luật Tiếp cận thông tin quá mở

Dự thảo luật khẳng định công dân được cung cấp thông tin không phải trả lệ phí... 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phản ánh lo ngại của Chính phủ là dự thảo Luật Tiếp cận thông tin quy định quá mở.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phản ánh lo ngại của Chính phủ là dự thảo Luật Tiếp cận thông tin quy định quá mở.

Cơ quan, tổ chức ở cả cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đều có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và nắm giữ là quá rộng, không khả thi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp sáng 9/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 

Theo dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tiếp cận thông tin thì quy định về phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin còn có ý kiến khác nhau. 

Nhiều ý kiến đề nghị quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp cho công dân tất cả thông tin do mình tạo ra hoặc nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Nếu quy định như trong dự thảo luật là các cơ quan nhà nước chỉ cung cấp cho công dân các thông tin do mình tạo ra thì chỉ tạo thuận lợi cho Nhà nước, không thuận lợi cho người dân. 

Nhưng cũng có ý kiến nhất trí với dự thảo Luật là các cơ quan nhà nước chỉ cung cấp cho công dân các thông tin do mình tạo ra, vì cho rằng quy định như vậy mới bảo đảm phù hợp với điều kiện hiện nay ở nước ta, bảo đảm tính khả thi của quy định. 

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quy định Điều 9 của dự thảo luật theo hướng: đối với cơ quan nhà nước ở Trung ương có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra; cơ quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được tổ chức theo ngành dọc và cơ quan nhà nước ở địa phương có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc nắm giữ. 

Tại văn bản đề ngày 8/3, Chính phủ cho rằng, trước mắt dự thảo luật chỉ nên quy định cơ quan nhà nước chỉ cung cấp thông tin do mình  tạo ra, các cơ quan khác trong quá trình hoat động nhận được thông tin từ các cơ quan khác thì phải có trách nhiệm hướng dẫn người yêu cầu tới cơ quan đã tạo ra và nắm giữ thông tin để được cung cấp. 

Quy định này, theo Chính phủ là để phù hợp với quan điểm chỉ đạo của việc xây dựng dự án luật trong bối cảnh ban hành lần đầu là mở dần từng bước để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn Việt Nam bảo đảm quyền hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước và không tạo kẽ hở cho việc lạm dụng quyền yêu cầu cung cấp thông tin. 

Riêng đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khan, theo Chính phủ, để tạo thuận lợi cho công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin và căn cứ vào thực tiễn nắm giữ thông tin của uỷ ban nhân dân cấp xã, dự thảo luật giao thêm trách nhiệm cung cấp thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác là phù hợp. 

Trụ sở của hầu hết uỷ ban nhân dân cấp xã vừa qua đã được xây dựng, nâng cấp, cải tạo khá khang trang, có nơi tiếp công dân, cơ chế một cửa có thể đáp ứng yêu cầu nêu trên, Chính phủ bày tỏ quan điểm. 

Bên cạnh nội dung nói trên, liên quan đến các vấn đề khác của dự thảo luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, luật này chỉ quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân trên cơ sở quy định của Hiến pháp. Đối với việc tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thì được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Do đó, đề nghị cho giữ như quy định của dự thảo Luật. 

Dự thảo luật cũng khẳng định công dân được cung cấp thông tin không phải trả lệ phí. Tuy nhiên, đối với các chi phí thực tế phát sinh trong việc cung cấp thông tin như phô tô, in ấn… thì người tiếp cận thông tin cần phải thanh toán để cơ quan nhà nước có thể duy trì việc cung cấp thông tin. 

Chuyên đề