Đưa vào sử dụng trạm sạc điện nhanh đầu tiên tại Việt Nam

Sáng 20/11, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) tổ chức Lễ khánh thành dự án năng lượng mặt trời áp mái nối lưới tòa nhà EVNCPC và đưa vào sử dụng xe ô tô điện/ trạm sạc điện nhanh đầu tiên tại Việt Nam.
Trạm sạc có khả năng sạc đầy nguồn điện cho ô tô trong vòng 30 phút, đi được 160 km. Ảnh VGP
Trạm sạc có khả năng sạc đầy nguồn điện cho ô tô trong vòng 30 phút, đi được 160 km. Ảnh VGP

Hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nối lưới tòa nhà EVNCPC do Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung trực thuộc EVNCPC làm tư vấn, thiết kế, thi công với tổng công suất 50 kWp, lắp đặt trên diện tích 298 m2, sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời của Mitsubishi Electric-Nhật Bản có hiệu suất 16.7% và bộ chuyển đổi Inverter SMA của Đức có hiệu suất 98.4%. Công trình được khởi công vào cuối tháng 8/2017 và vừa được nghiệm thu đưa vào sử dụng với sản lượng năng lượng mặt trời sinh ra trung bình 108 kWh/ngày, đáp ứng được trên 10% sản lượng tiêu thụ cho tòa nhà.

Hiện tại, EVNCPC cũng đã và đang triển khai dự án năng lượng mặt trời áp mái tòa nhà các công ty điện lực và Công ty Lưới điện cao thế miền Trung, trong các giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng triển khai đến trụ sở của từng điện lực và chi nhánh điện cao thế cũng như mái nhà vận hành các trạm biến áp 110 kV.

Dịp này, EVNCPC cũng đưa vào sử dụng 2 xe điện mới phục vụ đưa đón khách của EVNCPC tại Đà Nẵng nhằm tuyên truyền, quảng bá việc ứng dụng lưới điện thông minh, sử dụng các dạng năng lượng sạch để bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao hình ảnh và thương hiệu của thành phố Đà Nẵng xanh-sạch-đẹp, thành phố đáng sống.

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVNCPC cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc triển khai đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, EVNCPC đã và đang đầu tư, nghiên cứu thực hiện để phát triển lưới điện thông minh theo lộ trình đã hoạch định. Trong đó, dự án “Nghiên cứu tích hợp các nguồn năng lượng mới và tái tạo” là một hợp phần rất quan trọng nhằm mục đích giảm nhu cầu đầu tư vào phát triển nguồn và lưới điện; tăng cường khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Vì vậy, việc triển khai các dự án năng lượng mặt trời áp mái nối lưới và đầu tư sử dụng xe ô tô chạy hoàn toàn bằng điện, nghiên cứu xây dựng trạm sạc sử dụng nguồn điện lưới kết hợp nguồn điện từ hệ thống năng lượng mặt trời là việc làm hết sức cần thiết nhằm từng bước hiện thực hóa việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế cũng như các giải pháp sử dụng, đưa các nguồn năng lượng sạch vào các ứng dụng thực tiễn trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Chuyên đề