Tiếp tục rà soát để phát hiện các dự án đầu tư kém hiệu quả

(BĐT) - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 15/6, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến các dự án, công trình xây dựng cơ bản dở dang, hiệu quả đầu tư kém gây thất thoát lãng phí. Đại biểu Trần Văn Tiến - đoàn Vĩnh Phúc còn thẳng thắn chất vấn, đến nay còn bao nhiêu dự án thuộc các bộ, ngành trung ương quản lý rơi vào tình trạng như các dự án nêu trên. Trong thời gian tới Chính phủ có giải pháp, biện pháp gì để phát hiện và xử lý kịp thời những dự án tương tự nếu có để hạn chế lãng phí trong đầu tư.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 15/6, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến các dự án, công trình xây dựng cơ bản dở dang, hiệu quả đầu tư kém gây thất thoát lãng phí. Ảnh: Tường Lâm
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 15/6, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến các dự án, công trình xây dựng cơ bản dở dang, hiệu quả đầu tư kém gây thất thoát lãng phí. Ảnh: Tường Lâm

Lo lắng từ các dự án gây bức xúc

Đại biểu Đinh Đăng Luận - đoàn Yên Bái dẫn đề, ngày 24/2/2011 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện Nghị quyết này cho đến nay còn nhiều dự án, công trình xây dựng cơ bản dở dang ở các bộ, ngành, địa phương đang bị tạm dừng, đình hoãn, giãn tiến độ thi công. Hiện nay chưa biết đến bao giờ mới được xây dựng hoàn thành để đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả của công trình dự án, có nguy cơ gây ra sự lãng phí, thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế. Đại biểu này đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết những giải pháp của Chính phủ để giải quyết vấn đề nêu trên.

Ở góc tiếp cận khác, đại biểu Trần Văn Tiến - Vĩnh Phúc thông tin, tại Kỳ họp thứ 2 Chính phủ báo cáo có 05 dự án do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả dư luận xã hội quan tâm. Vừa qua ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đã xác định có 12 dự án gây lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng, và hiệu quả đầu tư kém. Vậy, ngoài 12 dự án đã được xác định, đến nay còn bao nhiêu dự án thuộc các bộ, ngành trung ương quản lý rơi vào tình trạng như các dự án nêu trên. Trong thời gian tới Chính phủ có giải pháp, biện pháp gì để phát hiện và xử lý kịp thời những dự án tương tự nếu có để hạn chế lãng phí trong đầu tư.

Quan trọng hơn, đại biểu này chất vấn “ việc để xảy ra tình trạng trên như các dự án nêu trên thì trách nhiệm thuộc về ai?”

Vẫn tiếp tục rà soát để phát hiện thất thoát, lãng phí

Đăng đàn trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình thông tin, sau khi Luật Đầu tư công ra đời, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 26, trong đó đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, tập trung vốn cho các dự án TPP, đối ứng ODA và các dự án chuyển tiếp, còn lại thì bố trí cho các dự án khởi công mới.

“Như vậy, các dự án thực sự cần thiết, cần đẩy nhanh tiến độ đã được các bộ, ngành địa phương bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn năm 2016 - 2020. Ngoài ra, yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương huy động, bố trí các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hoặc chuyển đổi phù hợp trên tinh thần Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo việc thực hiện. Đồng thời, những công trình, dự án ở địa phương cũng cố gắng nỗ lực để tạo ra những nguồn, tìm những nguồn vốn kêu gọi các nhà đầu tư với nhiều hình thức để tiến hành thực hiện các dự án” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến 12 dự án thất thoát, gây lãng phí, Chính phủ đã rất công khai, minh bạch, rõ ràng thông tin, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đã đưa tin những thông tin cơ bản về 12 dự án thua lỗ, thất thoát.

Những dự án này sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại, giải quyết trên tinh thần không để thất thoát về ngân sách, không dùng ngân sách trả nợ, giải quyết theo cơ chế thị trường và xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó cả tổ chức và cá nhân, những người chịu trách nhiệm trực tiếp. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập ban chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban để chỉ đạo việc khắc phục hậu quả này.

Với câu hỏi, ngoài 12 dự án này còn nữa hay không, Phó Thủ tướng trả lời là việc này mang tính chất ước lệ chứ không thể khẳng định là không có, nhưng cũng không nói là không còn. Tuy nhiên, tinh thần chung là còn và phải tiếp tục rà soát. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương phải báo cáo, rà soát, thử đánh giá, phát hiện và báo cáo Chính phủ sẽ có những giải pháp để xử lý.

Song, giải pháp cơ bản làm sao không còn những dự án này. Trách nhiệm của các ngành, các cấp phải chấp hành đúng nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp lại doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, cơ cấu lại các ngành nghề và tăng cường thực hiện các chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu đã có nhiều chỉ đạo về cơ chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm.

Chuyên đề