Nếu lùi lại 5 năm, sân bay Long Thành có thể tăng lên 10 tỷ USD thay vì 5,4 tỷ USD

(BĐT) - Chủ trương xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2015. Tuy nhiên, tại buổi hội thảo với chủ đề đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, tổ chức sáng 28/3/2018 tại TP.HCM, nhiều đại biểu đang hết sức lo ngại cho vấn đề này.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam, dự án sân bay quốc tế Long Thành vẫn đang trong tình trạng “loay hoay” vì các cơ quan vẫn chưa rõ mô hình đầu tư. Hiện nay phương thức đầu tư vẫn đang theo mô hình đầu tư dự án công chứ không phải đối tác công tư.

Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành có công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, được chia làm 3 giai đoạn. Ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho rằng, cần mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất trên cơ sở song song xây dựng sân bay Long Thành. Bởi lẽ, một thành phố có thể có tới 20 triệu dân như TP.HCM không có lý do gì chỉ có một sân bay.

Với tổng mức đầu tư cho dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16,03 tỷ USD, vấn đề huy động nguồn vốn, thu hút đầu tư luôn là một bài toán hóc búa. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay, câu chuyện nguồn lực đầu tư, bài toán vốn để xây dựng sân bay Long Thành cần được giải quyết theo hình thức hợp tác công tư, tách bạch theo từng gói thầu và thực thi cuốn chiếu trên từng hạng mục.

Điều đáng quan tâm nữa là, dự án này có tổng diện tích đất thu hồi hơn 5.000 ha, ảnh hưởng khoảng 48.000 hộ dân với chi phí giải phóng mặt bằng hơn 23.000 tỷ đồng. Để triển khai nhanh, theo GS.TS Đặng Hùng Võ, điều quan trọng nhất là phải thay đổi phương thức đền bù giải tỏa. Bởi lẽ, nhiều người dân muốn được bồi thường diện tích đất thu hồi bằng một diện tích đất tương ứng, chứ chưa hẳn thích nhận tiền bồi thường của Nhà nước như lâu nay.

Cũng cần nói thêm, trong tổng số diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án này, có tới 85% diện tích đất nông nghiệp. Do đó, nói như ông Đăng Hùng Võ, việc thay đổi phương án bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều khả năng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai chia sẻ, tỉnh đang thiết lập khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án này. Đây là dự án này lớn nhất từ trước đến giờ ở tỉnh Đồng Nai. Trong 5.000 ha xây dựng sân bay, có 1.800 ha đất cao su. Tuy nhiên, công tác di dời cũng vấp phải nhiều khó khăn, vì khối lượng nhân khẩu di dời quá lớn, trên 15.000 người.

Theo dự kiến, giai đoạn 1 của dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Ông Đỗ Tất Bình nhấn mạnh, cần phải xây dựng nhanh sân bay Long Thành vì ngoài việc đáp ứng vận tải thì giá thành xây dựng sân bay cứ sau 5 năm sẽ tăng gấp đôi. Nghĩa là, nếu lùi lại 5 năm so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025, thì giai đoạn 1 của sân bay Long Thành có thể tăng lên 10 tỷ USD thay vì 5,4 tỷ USD như dự tính hiện nay.

Chuyên đề