B.I.M - “bảo bối” cạnh tranh của Bcons

(BĐT) - Mới thành lập 5 năm nhưng Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons, một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng mô hình thông tin xây dựng (B.I.M) tại Việt Nam, đã được rất nhiều nhà đầu tư biết đến. 

Báo Đấu thầu đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Như Thạch, Tổng giám đốc Bcons xung quanh vấn đề này.

Tổng doanh thu năm 2016 của Bcons đạt gần 100 tỷ đồng. Ông có bình luận gì về kết quả này cũng như chia sẻ về mục tiêu của Bcons trong năm 2017?

Dù còn non trẻ nhưng doanh thu của Bcons trong các năm qua tăng trưởng khá mạnh. Đây là một con số khá ấn tượng đối với Bcons, dù so với các doanh nghiệp cùng ngành con số này còn khá khiêm tốn.

Bắt đầu từ năm 2017, Bcons sẽ có thêm hai loại doanh thu mới từ cho thuê văn phòng và đầu tư bất động sản. Vì vậy, chúng tôi dự kiến tổng doanh thu 2017 là 200 tỷ đồng, trong đó thiết kế và thi công xây dựng chiếm 80%. Tính trung bình hiện nay, doanh thu hàng năm tăng trưởng 100% là rất tốt.

B.I.M - “bảo bối” cạnh tranh của Bcons ảnh 1
Ông Lê Như Thạch
Trong chặng đường tới Bcons sẽ phải làm gì để đạt được mục tiêu trên?

Từ 2013 đến nay, thương hiệu Bcons lan tỏa rất nhanh, được khách hàng và nhiều nhà đầu tư trong nước biết đến qua các dự án như: Khách sạn 5 sao Sacom Resort, Chung cư cao tầng Samland Airport, Nhà xưởng sản xuất Sam Cường, Tòa nhà Quỹ Đầu tư phát triển Bình Dương…

Để có được điều này, chúng tôi không chỉ đi đầu trong triển khai và ứng dụng B.I.M (quy trình liên quan tới việc tạo lập và quản lý những đặc trưng kỹ thuật số trong các khâu thiết kế, thi công và vận hành các công trình), mà còn quyết tâm xây dựng bộ máy theo hướng thành thạo B.I.M, nâng cao hiệu quả công việc, hoàn thành quy trình kiểm soát, quản lý trên tất cả các dự án.

Để đưa Bcons trở thành thương hiệu nằm trong top 20 công ty thiết kế, thi công xây dựng dân dụng và công nghiệp, chúng tôi đã, đang và sẽ phải nỗ lực rất nhiều và chúng tôi tin mình sẽ làm được. 

Design & Build (thiết kế và thi công) hiện đang được các nhà thầu xây dựng xem đó như một lợi thế để cạnh tranh. Ông có nhận xét gì về xu hướng này?

Khi ứng dụng B.I.M vào quản lý thiết kế và thi công thì phương pháp đấu thầu Design & Build sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất cho nhà thầu và chủ đầu tư. Nhà thầu sẽ tối ưu hóa thời gian thiết kế và thi công, giảm chi phí không cần thiết. Đặc biệt, có thể lường trước được các khó khăn xảy ra trong quá trình thi công. Với chủ đầu tư, họ giảm được chi phí quản lý và giám sát, tối ưu hóa thiết kế và tiết kiệm thời gian thi công, giảm thiểu chi phí phát sinh. 

Bcons có đủ tự tin để tham gia đấu thầu công khai những dự án lớn, hay chỉ thực hiện các dự án khi được “chọn mặt gửi vàng”?

Bcons có nhiều kinh nghiệm thi công nhà xưởng, công trình cao tầng, đặc biệt có thể thi công các công trình có nhiều hơn 2 tầng hầm và 22 tầng cao. Ngoài ra, Bcons đang hợp tác với Công ty PPSN - một công ty tư vấn thiết kế của Thái Lan - để triển khai các dự án ứng dụng B.I.M. Hiện Công ty bắt đầu triển khai dự án hợp tác đầu tiên, đó là ứng dụng B.I.M cho việc quản lý thi công một bệnh viện tại Bangkok với quy mô 15 tầng.

Lâu nay, 50% các dự án thi công xây dựng của Bcons là từ đấu thầu công khai. Chúng tôi tin là mình có đủ năng lực và kinh nghiệm để tham gia vào những dự án lớn thông qua đấu thầu. 

Thời gian qua, việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ B.I.M của Bcons diễn ra có suôn sẻ không?

Việc ứng dụng B.I.M đã gặp khá nhiều khó khăn do đội ngũ quản lý chưa có kiến thức và kinh nghiệm quản lý bằng mô hình B.I.M, các đơn vị phối hợp (chủ đầu tư, nhà thầu...) thiếu các B.I.M manager có kinh nghiệm nên làm tăng chi phí cho việc đào tạo đội ngũ thiết kế và trang thiết bị.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực để vượt qua khó khăn để chuyển giao công nghệ B.I.M tốt cho tất cả các bên liên quan. Bcons sẽ ứng dụng công nghệ B.I.M như một “bảo bối” để cạnh tranh.

Chuyên đề