Mua thuốc tập trung cấp quốc gia: Bất ngờ về số nhà thầu tham dự

(BĐT) - Theo tiến độ, 4 gói thầu mua thuốc trong Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (NT) cung cấp thuốc năm 2019 - 2020 thuộc Danh mục Đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thực hiện được mở thầu vào ngày 30/10/2018. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Điều bất ngờ là trong khi có 3 gói thầu thu hút hàng chục nhà thầu tham dự tại mỗi gói thì 1 gói thầu phải gia hạn thời gian đóng thầu do chỉ có 2 NT tham dự.

Theo thông báo mời thầu ban đầu, 4 gói thầu nêu trên được mở thầu vào ngày 23/10/2018. Dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ các dịch vụ khám chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế. Tuy nhiên, do Chủ đầu tư sửa đổi hồ sơ mời thầu (HSMT) nên thời điểm đóng thầu được lùi lại một tuần, đến ngày 30/10/2018.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, số lượng NT mua HSMT là rất đông đảo. Cụ thể, Gói thầu số 1 Cung cấp biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị năm 2019 - 2020 cho các cơ sở y tế trên toàn quốc (ĐTTT.BDG.01.2018) là 5 NT; Gói thầu số 2 Cung cấp thuốc generic năm 2019 - 2020 cho các tỉnh miền Bắc (ĐTTT.generic.02.2018) là 49 NT; Gói thầu số 3 Cung cấp thuốc generic năm 2019 - 2020 cho các tỉnh miền Trung và khu vực Tây Nguyên (ĐTTT.generic.03.2018) là 45 NT; Gói thầu số 4 Cung cấp thuốc generic năm 2019 - 2020 cho các tỉnh miền Nam (ĐTTT.generic.04.2018) là 51 NT.

Được biết, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia hiện có 15 biên chế, trong đó 9 cán bộ đã có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp. Kết quả tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia lần thứ nhất vào năm 2017 đối với 05 hoạt chất (22 mặt hàng thuốc, bao gồm 5 mặt hàng thuốc biệt dược và 17 mặt hàng thuốc generic) đã được đánh giá cao, tiết kiệm được 477 tỷ đồng và giảm được 17,4% so với giá kế hoạch gói thầu (giá kế hoạch xây dựng theo giá trúng thầu thấp nhất trong vòng 12 tháng trước). Do đó, Bộ Y tế tiếp tục giao cho Trung tâm thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung đối với cả mặt hàng vật tư y tế của các cơ sở y tế thuộc Bộ.
Tuy nhiên, Gói thầu số 1 chỉ có 2 NT nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), gồm: Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 và Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương. Theo quy định tại Điều 117 của Luật Đấu thầu về xử lý tình huống, Chủ đầu tư có thể quyết định mở thầu hoặc gia hạn. Ông Dũng cho biết, để đảm bảo tính cạnh tranh, Bên mời thầu lựa chọn quyết định gia hạn thêm 1 tuần nữa để có thêm NT tham dự. Bên cạnh việc thông báo về việc gia hạn tới các NT quan tâm và NT đã mua HSMT, Trung tâm sẽ yêu cầu 2 NT nộp HSDT gia hạn hiệu lực của bảo đảm dự thầu.

Đối với các gói thầu còn lại, số lượng NT nộp HSDT lại rất lớn, lần lượt là: Gói thầu số 2 có 50 NT, Gói thầu số 3 có 45 NT, Gói thầu số 4 có 52 NT. Các NT tham dự đến từ nhiều địa phương khác nhau như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, TP.HCM...

Diễn biến tại Lễ mở thầu cũng cho thấy, mặc dù nộp HSDT nhưng có một số NT đã không tham dự Lễ mở thầu, tuy nhiên Bên mời thầu vẫn tiến hành mở thầu theo quy định.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cuộc thầu này, theo ông Dũng, ngoài đại diện của các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Y tế, Tổ chuyên gia đấu thầu và Bên mời thầu, tham dự Lễ mở thầu còn có đại diện của Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) của Bộ Công an. Sau khi tham dự Lễ mở thầu, các NT đều được cung cấp biên bản mở thầu.

Điều này nhận được khá nhiều sự đồng tình và đánh giá cao của các NT tham dự. Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một số đại diện nhà thầu đánh giá, Lễ mở thầu diễn ra một cách nghiêm túc và không có NT nào phản ứng, hay có thắc mắc gì về việc đóng, mở thầu. Mặc dù mở 3 gói thầu quy mô lớn với số lượng NT tham gia rất đông trong vòng 1 buổi sáng, nhưng Bên mời thầu đã tổ chức rất khoa học, thao tác nhanh chóng, chuyên nghiệp. Việc mở thầu đồng thời 3 gói thầu và theo từng tên NT rút ngắn được nhiều thời gian hơn so với việc mở từng gói thầu một, tránh được sự trùng lặp, bởi có những NT tham gia nhiều gói thầu cùng lúc.

Chuyên đề