Chia sẻ kinh nghiệm đấu thầu trong ASEAN

(BĐT) - Từ ngày 16 - 18/11/2016, tại Nay Pyi Taw, Myanmar đã diễn ra Diễn đàn Trao đổi kiến thức đấu thầu khối ASEAN. 
Chuyên gia đấu thầu các nước trong ASEAN chia sẻ cách thức giải quyết nhiều vấn đề gai góc trong đấu thầu. Ảnh: Bảo Long
Chuyên gia đấu thầu các nước trong ASEAN chia sẻ cách thức giải quyết nhiều vấn đề gai góc trong đấu thầu. Ảnh: Bảo Long

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức nhằm mục tiêu chia sẻ kiến thức về đấu thầu giữa các nước trong khối ASEAN, hỗ trợ các nước trong Khối học hỏi kinh nghiệm đấu thầu từ các chuyên gia quốc tế, các nhà tài trợ. 

Tại Diễn đàn lần này, các nước đã trình bày quá trình cải cách hệ thống đấu thầu tại nước mình. Theo đó, ngay trong ASEAN đã có sự khác biệt khá lớn về sự phát triển của công tác đấu thầu. Những nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia đã có sự phát triển vượt bậc về công tác đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu qua mạng đã được triển khai và đạt được nhiều thành tựu. Trong khi đó, những nước như Myanmar, Lào… lại đang chập chững ở vạch xuất phát khi chưa có Luật Đấu thầu, đấu thầu điện tử cũng như các chính sách chuyên sâu về đấu thầu. Việt Nam, mặc dù đã có những thay đổi mạnh mẽ trong công tác đấu thầu trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa thể bứt phá lên nhóm đầu của Khối, khi vẫn còn nhiều nội dung có thể được cải thiện hơn.

Tham gia Diễn đàn, chuyên gia của các nước đã chia sẻ cách thức giải quyết nhiều vấn đề gai góc trong đấu thầu như: có cần thiết phải có giá trần trong đấu thầu; tình trạng các cơ quan kiểm tra, kiểm toán không đồng ý với kết luận, xử lý của chủ đầu tư, bên mời thầu khi lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng… Diễn đàn cũng dành thời gian để Ban thảo luận chia sẻ với các đại biểu một số nghiệp vụ đấu thầu chuyên sâu như bài học kinh nghiệm về cơ chế giải quyết khiếu nại; các yếu tố, cách thức để có thể thực hiện công cuộc cải cách công tác đấu thầu; đấu thầu qua mạng… Ban thảo luận lần này được Ban Tổ chức tiến cử, gồm đại diện của Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, các nhà tài trợ World Bank, ADB, USTDA và chuyên gia quốc tế David Jones.

Chuyên đề