Xuất khẩu rau quả đang chững lại

Trong 6 tháng đầu năm 2018, XK rau quả tăng trưởng khả quan với mức tăng 20,3%, song nếu so với mức tăng trưởng XK trên 44% của nửa đầu năm 2017 thì có thể nhìn nhận tăng trưởng XK rau quả đang có phần chững lại.
Xuất khẩu rau quả cả năm nay dự kiến đạt 4,5-4,7 tỷ USD. Ảnh: Uyển Như.
Xuất khẩu rau quả cả năm nay dự kiến đạt 4,5-4,7 tỷ USD. Ảnh: Uyển Như.

Tăng trên 20%

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Tính tới hết tháng 6, XK rau quả ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, các thị trường XK chính đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với kim ngạch XK đạt 1,2 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2017; tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 50,9 triệu USD, tăng 14,6%. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, kim ngạch XK rau quả lần lượt tăng 8%, 15,4% và 26%. 

Trong XK rau quả nửa đầu năm, việc xúc tiến XK vải thiều rất đáng chú ý khi vải năm nay được mùa lớn song không rơi vào tình trạng mất giá. Tại "thủ phủ" vải thiều Bắc Giang, xuyên suốt từ đầu đến cuối vụ, tình hình tiêu thụ, đặc biệt là XK khả quan.

Cập nhật thông tin mới nhất đến hết ngày 6/7, quả vải đã được XK sang trên 30 nước và vùng lãnh thổ với các thị trường chủ yếu như EU (Pháp, Đức, Hà Lan…), Nga, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia,Thái Lan,… với tổng sản lượng ước đạt 87.400 tấn và giá trị ước đạt 153 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc cũng là thị trường XK chủ lực của vải thiều với tổng kim ngạch tính đến ngày 6/7 là trên 151 triệu USD. Về mặt giá cả, vải được bán ra với mức giá tương đối khả quan, đỉnh điểm lên tới 35.000-40.000đ/kg và bình quân cả vụ đạt từ 16.000 – 18.000đ/kg, không có chuyện ép cân, ép giá.

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá: Có được những kết quả nêu trên là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, chủ động của toàn ngành và các địa phương cũng như cộng đồng DN.

Với mặt hàng vải thiều, ngay từ đầu tháng 4, Bộ NN&PTNT đã chủ động phối hợp với ngành Công Thương, các địa phương trọng điểm trồng vải triển khai bài bản công tác chăm sóc, thu hoạch, chế biến và kịch bản tiêu thụ. Điều này giúp cho việc tiêu thụ vải của toàn niên vụ có sự chuyển dịch tích cực.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, XK rau quả tăng trưởng khả quan với mức tăng 20,3%, song nếu so với mức tăng trưởng XK trên 44% của nửa đầu năm 2017 thì có thể nhìn nhận tăng trưởng XK rau quả đang có phần chững lại. Tuy vậy, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, điểm sáng là nguồn cung trong nước lại có kết quả phát triển khá tốt. Công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường đã giúp giữ được mục tiêu “được mùa, được giá”.

Cả năm dự kiến đạt 4,7 tỷ USD

Theo Bộ NN&PTNT: Song song với sự tăng trưởng trong XK rau quả, kim ngạch NK rau quả tháng 6 ước đạt 152 triệu USD, đưa tổng giá trị NK 6 tháng đầu năm ước đạt 754 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2017. Nguồn NK chính vẫn là Thái Lan (45,7% lượng NK) và Trung Quốc (9,1%).
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) dự báo, XK rau quả cả năm có thể tăng trưởng từ 25-30%, với giá trị XK khoảng 4,3-4,5 tỷ USD.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) lại đưa ra con số dự báo khả quan hơn là XK rau quả có thể thu về khoảng 4,5-4,7 tỷ USD.

Theo ông Việt, từ nay đến hết năm, với sản xuất, XK nông sản nói chung, rau quả nói riêng, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn (cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao) và sang các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.

Xung quanh câu chuyện thúc đẩy XK bền vững nông sản nói chung, rau quả nói riêng, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng nếu vẫn tiếp tục chủ yếu xuất thô thì giá trị gia tăng còn thấp và sẽ thấp hơn nữa. Do đó, thời gian tới, việc quan trọng là cần đẩy mạnh khâu chế biến sâu. "Riêng rau quả như vải thiều là những sản phẩm chu kỳ ngắn nên càng cần khâu chế biến sâu", ông Toản nhấn mạnh. Về mặt thị trường, theo ông Toản, mấu chốt nhất vẫn là chất lượng sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn thị trường NK.

Đồng tình với quan điểm của ông Toản, một số chuyên gia đánh giá, trong thời gian tới, rau quả XK Việt Nam dự kiến sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại tại các thị trường truyền thống. Để đẩy mạnh XK, ngành rau và trái cây cần tiếp tục rà soát quy hoạch nhằm ổn định nguồn cung, tăng cường chuỗi liên kết, thu hút sự tham gia tích cực hơn của DN. Về phần các DN, việc cần đẩy mạnh là tổ chức liên kết sản xuất theo nhu cầu và bám sát được vào các tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm của các thị trường XK. Đặc biệt, DN trong ngành rau quả cần tiếp tục chú trọng phát triển, ứng dụng các quy trình công nghệ bảo quản trái cây sau thu hoạch, chế biến sâu để duy trì và đẩy mạnh XK sang các thị trường bậc cao như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phát triển công nghiệp chế biến cũng là một trong những nội dung trọng tâm mà Bộ NN&PTNT đặt ra trong nửa cuối năm. Ông Nguyễn Văn Việt cho hay: Bộ NN&PTNT sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng; đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà máy chế biến rau, quả, sản phẩm chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ hiện đại khởi công và đi vào hoạt động ngay trong năm 2018....

Chuyên đề