VSF 2019 thảo luận 5 vấn đề lớn về nâng cao năng lực của nền kinh tế

(BĐT) - Phiên thảo luận chuyên sâu về khoa học và chuyên môn trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững Việt Nam 2019 (VSF 2019) do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (APD) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khai mạc sáng ngày 17/1, tại Hà Nội.
Quản lý các chính sách về biến đổi khí hậu trong thực thi và hợp tác khu vực là một trong những chủ đề được tập trung thảo luận tại Diễn đàn Phát triển bền vững Việt Nam 2019. Ảnh: Thanh Đức
Quản lý các chính sách về biến đổi khí hậu trong thực thi và hợp tác khu vực là một trong những chủ đề được tập trung thảo luận tại Diễn đàn Phát triển bền vững Việt Nam 2019. Ảnh: Thanh Đức

Với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện phục vụ phát triển bền vững”, VSF 2019 tập trung thảo luận 5 vấn đề lớn nhằm nâng cao năng lực nền kinh tế của Việt Nam. Các chủ đề gồm: xây dựng nguồn nhân lực phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững; nông nghiệp thông minh để phát triển bền vững; quản lý các chính sách về biến đổi khí hậu trong thực thi và hợp tác khu vực; những giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo bền vững môi trường tại Việt Nam; cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.

Phiên thảo luận chính của Diễn đàn diễn ra vào ngày 18/1 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình quy tụ hơn 20 chuyên gia đầu ngành trên thế giới, các nhà chính trị và trên 400 khách mời tham gia.

Theo VSF, nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kỷ lục trong năm 2018, với tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực, thặng dư thương mại gấp hơn 3 lần năm 2017, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm trở lại đây... Kết quả này rất đáng khích lệ trong điều kiện Chính phủ kiên trì mục tiêu kép cho phát triển kinh tế - xã hội. Về lâu dài, tăng trưởng nhanh và bền vững phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng nguồn lực con người, nhất là khi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra giá trị gia tăng. Tuy nhiên, nước ta chỉ xếp hạng 66/126 về nguồn lực con người và nghiên cứu.

Chuyên đề