Thủ tướng: Hậu Giang cần phát triển nền nông nghiệp đa chức năng

(BĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong 9 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục phát triển: nông nghiệp có tăng mức tăng trưởng khá, chuyển biến tích cực; sản xuất công nghiệp ổn định, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 11,09%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 9,76% so với cùng kỳ. Đến nay, Tỉnh đã thu hút được 29 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn trên 809 triệu USD; đã tích cực chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và đạt kết quả khá, đến nay đã có 19/54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 35,1% tổng số xã, cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

Tuy nhiên tỉnh Hậu Giang vẫn còn khó khăn, thách thức cũng rất lớn: Xuất phát điểm thấp, Tỉnh đang phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu; lực lượng lao động làm việc trong nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ cao (trên 75%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp (21,5%); số lượng doanh nghiệp/người dân chỉ bằng 1/3 so với bình quân chung cả nước, quy mô doanh nghiệp khiêm tốn; vẫn còn 3 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Hậu Giang tiếp tục đổi mới, sáng tạo, năng động hơn nữa trong phát triển kinh tế dựa vào tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương, trong đó phát triển nền nông nghiệp đa chức năng thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; phát triển dịch vụ và công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ phục vụ nông nghiệp; đặc biệt cần nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Tỉnh chú ý xây dựng và phổ biến trong các hộ nông dân hệ thống tiêu chuẩn về nông nghiệp sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Căn cứ vào quy hoạch phát triển toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch ngành, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ cấu sử dụng các loại đất có hiệu quả, nhất là diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản; đầu tư hạ tầng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và quản lý tốt nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống người dân; khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nước ngầm, tránh gây sụt lún, nhất là với tỉnh có địa hình thấp như Hậu Giang.

Tỉnh Hậu Giang chủ động nghiên cứu, tìm lợi thế so sánh để có hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế như phát triển nông nghiệp công nghệ cao dựa vào diện tích trồng lúa lớn, bởi đây chính là lợi thế của Hậu Giang so với các địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, cùng với đó là thực hiện đồng bộ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Kết nối có hiệu quả với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, trước hết là thành phố Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế.

Đồng thời tiếp tục quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng nhiều hơn nữa thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất. Hậu Giang cần tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của địa phương; tìm phương án, cách làm tốt nhất để huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó phải xác định được danh mục một số dự án cấp bách để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư. Tiếp tục phát triển du lịch sông nước, miệt vườn mang đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng chính quyền đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp; tiếp tục gỡ bỏ các rào cản, khơi dậy các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi và có các biện pháp thiết thực hỗ trợ tỉnh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chú trọng hơn công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội, gia cường hơn nữa nền tảng xã hội, củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền, không ngừng nâng cao đời sống của người dân, đảm bảo tốt quyền lợi và nhu cầu của nhân dân trong quá trình phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là tay nghề lao động trong nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Chuyên đề