Phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý tài sản hạ tầng thủy lợi

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Nhà nước đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, đến nay, với sự đầu tư rất lớn của nhà nước, sự đóng góp của nhân dân và các tổ chức quốc tế trên phạm vi toàn quốc, đã xây dựng được 904 hệ thống thuỷ lợi lớn và vừa có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên, trong đó có 110 hệ thống thủy lợi lớn (diện tích phục vụ lớn hơn 2.000 ha).

Cùng với đó, đã xây dựng được 6.831 hồ các loại, với tổng dung tích trữ 50 tỷ m3, trong đó có 150 hồ thủy điện với tổng dung tích trữ khoảng 39,6 tỷ m3, 6.681 hồ thuỷ lợi với tổng dung tích 10,28 tỷ m3. Các hồ chứa đã và đang phục vụ cho phát điện, cấp nước sinh hoạt và phát triển kinh tế, bảo đảm tưới cho 800.000 ha đất canh tác.

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng, khai thác khối tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi nêu trên (trước khi Quốc hội ban hành Luật Thủy lợi, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) còn hạn chế do phân công, phân cấp quản lý Nhà nước còn bất cập. Thực tế, doanh nghiệp thủy lợi làm cả chức năng về quản lý nhà nước đối với tài sản hạ tầng thủy lợi; tài chính bù đắp cho hoạt động thủy lợi không tuân thủ quy luật kinh tế khách quan, không bù đắp đủ chi phí. Bao cấp của Nhà nước cho người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi còn rất lớn...

Từ những hạn chế nêu trên và với đặc điểm của tài sản hạ tầng thủy lợi tham gia phục vụ hầu hết các hoạt động trong xã hội, việc quản lý vận hành có tính hệ thống từ công trình đầu mối đến hệ thống dẫn nước, từng bộ phận giá trị tài sản bị hao mòn nhưng việc bù đắp được từ khấu hao để hạch toán vào giá thành sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là rất khó khăn, việc xây dựng Nghị định quy định quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi là cần thiết.

Dự thảo nêu rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng thủy lợi. Theo đó, mọi tài sản hạ tầng thủy lợi được đầu tư từ ngân sách nhà nước phải xác định rõ chủ thể trong quản lý, sử dụng và khai thác. Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng thủy lợi được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm.

Đồng thời khuyến khích, tạo động lực, điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng thủy lợi bao gồm cả các công trình cấp nước sạch phục vụ dân cư đô thị và dân cư nông thôn.

Dự thảo cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, sử dụng tài sản hạ tầng thủy lợi trái pháp luật dưới mọi hình thức; cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng thủy lợi; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hạ tầng thủy lợi.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Chuyên đề