Phác thảo về mô hình đặc khu ở Việt Nam

(BĐT) - Mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam sẽ là khu kinh tế - xã hội tổng hợp, trong đó áp dụng một khung pháp lý đặc thù về quản lý kinh tế và quản lý hành chính nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Độ mở về cơ chế, chính sách kinh tế và hành chính của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam đang được nghiên cứu để áp dụng phù hợp. Ảnh: Lâm Thanh Sơn
Độ mở về cơ chế, chính sách kinh tế và hành chính của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam đang được nghiên cứu để áp dụng phù hợp. Ảnh: Lâm Thanh Sơn

Mục tiêu thúc đẩy giao thương

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khái quát về các mô hình khu kinh tế (KKT), đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, có thể nói tiền thân của mô hình đặc khu kinh tế là các loại hình khu công nghiệp, KKT tự do. Các mô hình KKT tự do có tính chất thương mại, KKT tự do có tính chất công nghiệp, KKT tự do có tính chất tổng hợp đã có lịch sử hàng trăm năm với sự hình thành các “cảng tự do” đầu tiên ở Italia vào năm 1547 và khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào đầu thế kỷ XVIII. Mục tiêu của các khu này là nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại, gia công, chế biến, cung ứng dịch vụ vận tải đường biển với chính sách miễn thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa trong phạm vi cảng tự do.

Mô hình KKT hiện đại đầu tiên được thành lập tại Puerto Rico năm 1942 và từ đó được nhân rộng tại nhiều quốc gia châu Á. Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Singapore và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là những nước đã thực hiện thành công mô hình đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính.

Đến cuối năm 2013, Nhật Bản đã quyết định phát triển 6 vùng đặc khu chiến lược quốc gia như là một biện pháp mạnh để đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế dựa trên 3 trụ cột: phát triển đầu tư tư nhân, đổi mới và thuận lợi hóa trong quản lý lao động; tập trung phát triển một số ngành kinh tế chủ lực với công nghệ cao sáng tạo trong mỗi vùng đặc khu.

Từ thành công của mô hình đặc khu kinh tế từ những năm 80 của thế kỷ XX ở Thẩm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải, vào tháng 8/2013, Trung Quốc đã chủ trương phát triển Khu thương mại tự do Thượng Hải theo mô hình mới với các cơ chế, chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh các đặc khu kinh tế, ở một số quốc gia trên thế giới xuất hiện mô hình đặc khu hành chính. Về bản chất là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có chính quyền, luật pháp riêng, độc lập với chính quyền trung ương, ngoại trừ một số vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng. Trung Quốc xây dựng mô hình này với hai đặc khu hành chính gồm: đặc khu hành chính Hồng Kông và đặc khu hành chính Macao.

Ngoài mô hình đặc khu hành chính ở Trung Quốc, còn có mô hình tỉnh tự trị đặc biệt Jeju, Hàn Quốc với trung tâm phát triển là Thành phố quốc tế tự do Jeju và tỉnh tự trị Trento, Italia. Các thành phố tự do này được áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu để tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động kinh doanh. 

Bài học về sự thành - bại

Sự thành công của mô hình đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính và các mô hình tương tự khác tại một số nước có tốc độ phát triển nhanh và tương đối bền vững là nhờ gắn liền với các điều kiện địa - chính trị thuận lợi với một thể chế hành chính và các cơ chế ưu đãi đặc biệt.

Theo đó, đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính được xây dựng tại những nơi có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược (gần cảng biển quốc tế, các tuyến giao thông quan trọng của đất nước) và có điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, liền kề khu vực kinh tế phát triển, có khả năng thu hút nguồn vốn, nhân lực và kết nối quốc tế.

Những khu vực này có thể chế vượt trội và chính sách ưu đãi cạnh tranh quốc tế khi thực hiện trao quyền tự chủ cao cho chính quyền đặc khu về lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhất là quyền lập quy về kinh tế như: đặc khu hành chính Hồng Kông và đặc khu hành chính Macao của Trung Quốc, Quần đảo Caymays thuộc Vương quốc Anh. Đặc khu được áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, mang tính cạnh tranh toàn cầu, duy trì mức chi phí đầu vào sản xuất thấp và quy định linh hoạt về việc làm và được điều chỉnh theo luật riêng.

Ngoài ra, đặc khu có sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ cho phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực, được xây dựng dưới hình thức liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và tư nhân; có cơ chế, chính sách đặc biệt huy động các nguồn lực khu vực tư nhân...

Bên cạnh những yếu tố quyết định sự thành công như đã nói ở trên, thực tế ở một số nước cũng cho thấy rằng việc tập trung ưu đãi về thuế và đầu tư kết cấu hạ tầng chỉ dựa vào ngân sách nhà nước để bù lại những bất lợi về vị trí địa lý hay kết cấu hạ tầng kém phát triển là không hiệu quả. Cụ thể, trên thế giới, có thể nói Nam Phi và Ấn Độ là hai quốc gia đã không phát triển thành công mô hình đặc khu kinh tế. 

Nghiên cứu, áp dụng độ mở hợp lý

Trên thế giới có các khái niệm khác nhau về đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính nhưng chưa có khái niệm đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Song về bản chất có thể thấy rằng các loại mô hình này đều là những đơn vị hành chính - kinh tế được phân định ranh giới địa lý rõ ràng và được bảo đảm về mặt an ninh; được áp dụng cơ chế quản lý kinh tế và hành chính riêng biệt; là khu vực được hưởng các ưu đãi vượt trội về thuế, hải quan và có các đặc quyền cụ thể về đất đai, xuất nhập cảnh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Sự khác biệt chính giữa các mô hình này là mức độ áp dụng những chính sách đặc biệt về hệ thống chính trị, thể chế kinh tế, thể chế hành chính, chính sách quản lý dân cư. Tùy thuộc vào lịch sử phát triển và đặc điểm của từng loại mô hình mà mức độ “mở” có thể khác nhau, mục tiêu “kinh tế” có thể được đặt nặng hơn mục tiêu “hành chính” và ngược lại.

Theo quan điểm của Chính phủ Việt Nam, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một khu vực có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi trong giao thương, dịch vụ trong nước và quốc tế; có cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi cạnh tranh quốc tế, có cơ chế quản lý và hành chính riêng biệt và hiện đại; có môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi.

Tuy nhiên, độ mở về cơ chế, chính sách kinh tế và hành chính của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam cần được nghiên cứu, áp dụng phù hợp với điều kiện, khả năng phát triển, đặc điểm về chính trị, luật pháp, chế độ kinh tế - xã hội của Việt Nam và nhất thiết phải cạnh tranh được với các mô hình của các quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Chuyên đề