Nhiều cảnh báo từ kết quả kiểm toán nhà nước 2016

(BĐT) - Công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của KTNN trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách năm 2015 là 38.776 tỷ đồng.
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT được kiểm toán. Ảnh Internet
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT được kiểm toán. Ảnh Internet

Báo cáo tổng hợp được KTNN công bố cuối tuần qua đã nêu rõ những hạn chế, sai sót trong cơ chế, chính sách, quá trình đầu tư quản lý đã làm giảm hiệu quả của một số chương trình, dự án được kiểm toán.

Bộc lộ nhược điểm, sai phạm trong đầu tư, quản lý dự án

Theo KTNN, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn trái phiếu Chính phủ và các chương trình MTQG đã bộc lộ nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đối với các dự án BOT, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án BOT được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 01 tháng, 12 ngày...

Ngoài ra, qua 19 cuộc kiểm toán hoạt động cho thấy một số hoạt động thuộc chủ đề được kiểm toán không đạt được mục tiêu đề ra; công tác quản lý, điều hành một số chương trình, dự án thiếu chặt chẽ, không tuân thủ các quy định của Nhà nước làm giảm hiệu quả hoạt động; một số trang thiết bị được đầu tư nhưng chưa đưa vào khai thác và sử dụng gây lãng phí ngân sách. Đặc biệt qua kiểm toán Hợp phần xe buýt nhanh khối lượng lớn thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội (Hợp phần BRT) cho thấy việc thực hiện còn thiếu đồng bộ, không nhất quán, chậm tiến độ và phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến khi đưa hệ thống BRT vào vận hành cuối năm 2016 không thể đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của BRT và khó đạt được mục tiêu đề ra là góp phần giảm ùn tắc giao thông, thậm chí có nguy cơ sẽ gia tăng tình trạng ùn tắc.

Liên quan đến nội dung kiểm toán BRT, ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN cho biết, nội dung kiểm toán được thực hiện năm 2016 và KTNN đã đưa ra một số cảnh báo. Theo đánh giá của KTNN, BRT tồn tại nhiều vấn đề nhưng chủ yếu trong đó là xác định phương án tuyến BRT ban đầu chưa phù hợp vì phương án tuyến này song song với hướng tuyến của đường sắt đô thị nên khi cùng thi công trên một trục đường, cùng thời điểm sẽ ảnh hưởng, làm chậm tiến độ. Sau đó, hướng tuyến BRT có được TP. Hà Nội điều chỉnh lại nhưng lại có không đánh giá, thực trạng lưu lượng giao thông trên hướng tuyến trong tương lai. Mặt khác khi thực hiện các hạng mục gói thầu của BRT lại không đồng bộ, thiếu nhất quán và chậm tiến độ. Hầu hết gói thầu phải điều chỉnh tiến độ, quyết toán… Do đó, thời điểm đó KTNN cảnh báo, nếu vận hành thì không đảm bảo tiêu chuẩn mục tiêu BRT đưa ra. Cảnh báo này được phát hành trước khi BRT được đưa vào sử dụng.

Hiệu quả kinh doanh của DNNN giảm sút

Mặc dù có 24/28 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước được kiểm toán trong năm 2016 đã kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, trong đó lợi nhuận của nhiều đơn vị tăng cao so với năm 2014, đóng góp vào kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2015, song, quá trình tái cơ cấu, công tác quản lý và sử dụng tiền, tài sản nhà nước của một số DNNN còn những hạn chế.

Cụ thể, hầu hết các TĐ, TCT và doanh nghiệp có sai sót trong việc hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, thu lợi nhuận sau thuế không đúng quy định nên qua kiểm toán đã kiến nghị tăng thu NSNN 6.241,8 tỷ đồng.

Hiệu quả kinh doanh của một số TĐ, TCT giảm sút so với năm 2014; nhiều doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể; nhiều doanh nghiệp quản lý công nợ chưa chặt chẽ, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, chậm luân chuyển; hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế, diễn ra trong tất cả các khâu, giai đoạn của quá trình đầu tư. Đặc biệt, Dự án xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat số 2 thuộc TĐ Hóa chất Việt Nam quá trình thực hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên qua kiểm toán đã chuyền hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2011- 2015, cả nước đã cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch (499/518 doanh nghiệp); phần lớn các DNNN sau cổ phần hóa đều có lãi, góp phần tăng thêm nguồn thu cho NSNN và cải thiện thu nhập của người lao động. Song, KTNN nhận định, việc thực hiện Đề án còn chưa đáp ứng được tiến độ đề ra, hiệu quả SXKD tại một số doanh nghiệp chưa cao; xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất... Kết quả kiểm toán tại 7 doanh nghiệp, KTNN đã xác định tăng giá trị vốn nhà nước 20.818 tỷ đồng.

Chuyên đề