Ngày 16/6: Quốc hội xem xét 3 dự án luật

Theo chương trình làm việc, ngày 16/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), biểu quyết thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi).
Luật Quản lý nợ công được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong huy động, quản lý, sử dụng nợ công.

Tuy nhiên, cùng với những đổi mới trong Hiến pháp năm 2013, thay đổi trong hệ thống pháp luật và quá trình vận hành, phát triển của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, nhiều quy định của Luật Quản lý nợ công đã không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành, đòi hỏi cần phải sửa đổi.

Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được xây dựng gồm 10 chương với 67 điều. Ngoài việc bổ sung 3 chương mới gồm: Quy định về chỉ tiêu an toàn, chiến lược, chương trình, kế hoạch vay trả nợ, Quy định về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và Quy định cụ thể hơn về bảo đảm khả năng trả nợ, các điều trong dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc rà soát để loại bỏ các quy định không còn phù hợp, hoặc đã được quy định tại các luật khác; sửa đổi 44/49 điều của Luật hiện hành, bổ sung 18 điều vào 3 chương mới.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Luật Tố cáo cho thấy, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền tố cáo giúp các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, Luật Tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định cần phải sửa đổi.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) được xây dựng gồm 9 chương với 64 điều được đưa ra xem xét, thảo luận tại kỳ họp lần này bao gồm các nội dung: Phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật (Luật Tố cáo (sửa đổi) hay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo); các hình thức tố cáo; tố cáo nặc danh, mạo danh; thời hiệu tố cáo; thẩm quyền giải quyết tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; thời hạn giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo; khen thưởng và xử lý hành vi vi phạm;…

Về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm 10 chương (thêm 1 chương mới), 90 điều (giảm 3 điều) so với dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội.

Cụ thể, theo báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này được tập trung vào những nội dung chính là: Chính sách phát triển đường sắt; ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt; quản lý Nhà nước về hoạt động đường sắt (chương IX); kết cấu hạ tầng đường sắt; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động giao thông vận tải đường sắt; ga đường sắt; kinh doanh đường sắt; giá/phí trong kinh doanh đường sắt; đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.

Đồng thời các đại biểu cũng sẽ xem xét, thông qua một số vấn đề khác của dự án Luật như: Đề nghị bổ sung vào Điều 3 giải thích các khái niệm hầm đường sắt, chứng vật, đường xe điện bánh sắt; chỉnh sửa khái niệm đê-pô (depot) cho phù hợp với văn phong tiếng Việt; bổ sung “đường sắt tốc độ cao” là một trong những cấu phần của hệ thống đường sắt Việt Nam.

Quy định hợp tác quốc tế về đường sắt; tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt; quy định để thuận tiện trong việc thông quan các tàu liên vận quốc tế; quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường sắt phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

Quy định rõ về khổ đường sắt quốc gia làm cơ sở cho việc đầu tư, xây dựng, tránh việc đầu tư xây mới khổ hẹp 1.000 mm; quy định khuyến khích phát triển công nghiệp đường sắt để đáp ứng nhu cầu phát triển GTVT đường sắt; quy định rõ về thẩm quyền xây dựng biểu đồ chạy tàu, tránh can thiệp vào quyền của doanh nghiệp khi thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Chuyên đề