Kịp thời tháo gỡ vướng mắc; chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu vô cảm

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc tiếp tục phát huy có hiệu quả kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo Kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017.

Hơn 3000 điều kiện kinh doanh bất hợp lý được cắt giảm, cam kết cắt giảm

Trước hết, về kết quả cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2017, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách hành chính, TTHC đã đạt được những kết quả thiết thực, tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bộ máy hành chính, nhất là vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng.

Thể chế và khung khổ pháp lý cho hoạt động cải cách TTHC, kiểm soát TTHC cơ bản được hoàn thiện để triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.

Trong năm nay, Chính phủ đã ban hành 1 Nghị định, 16 Nghị quyết nhằm đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Theo đó, số thủ tục hàng chính liên quan đến giấy tờ công dân dự kiến đơn giản hóa là 912 thủ tục, số văn bản dự kiến sửa đổi là 284 văn bản.

Cùng với đó, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã có tác dụng khơi dậy mạnh mẽ xu hướng khởi nghiệp, góp phần làm chuyển động tình hình đầu tư, kinh doanh tại các địa phương. Lãnh đạo Chính phủ đã duy trì nhiều cuộc họp về công tác cải cách hành chính, cải cách TTHC và nhiều hội nghị, diễn đàn, đối thoại để lắng nghe, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, người dân.

Lan tỏa từ tinh thần cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tư tưởng của Thủ tướng Chính phủ, hàng nghìn TTHC, hơn 3.000 điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được các bộ, ngành, địa phương cắt giảm và cam kết cắt giảm, tạo thuận lợi cho DN.

Xử lý hàng nghìn phản ánh, kiến nghị của người dân và DN

Trong năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận và xử lý 23 nhóm vấn đề với gần 100 phản ánh, kiến nghị của hơn 300 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam để đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Kênh tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp của Văn phòng Chính phủ cũng đã bước đầu phát huy tác dụng. Từ khi vận hành, hai hệ thống thông tin đã tiếp nhận 6.691 phản ánh, kiến nghị, chuyển đến các bộ, địa phương xử lý 1.946 phản ánh, kiến nghị; trong đó, có 1.303 phản hồi đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, cơ bản nhận được sự đồng tình từ các doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tích cực thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.

Hình thành hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt

Báo cáo về tình hình, kết quả xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong năm 2017, các bộ, ngành hoàn thành 44/71 nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 36a, đạt tỷ lệ 61,9%.

Có 26/30 bộ, cơ quan; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Nhằm đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 846/QĐ-TTg về Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương. Hiện Văn phòng Chính phủ đang xây dựng và đưa vào thử nghiệm Cổng dịch vụ công Quốc gia với một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 từ một số bộ, ngành, địa phương lên hệ thống thử nghiệm.

Hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT cũng được các bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư. Có 17 bộ, cơ quan; 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai mạng diện rộng, trong đó đã kết nối 80% số đơn vị thuộc, trực thuộc các bộ, ngành và trên 75% các sở, ngành, quận/huyện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo công bố của Liên Hợp Quốc về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, năm 2016, Việt Nam tăng 10 bậc trong xếp hạng, xếp thứ 89; xếp thứ 6 trong khối các nước Đông Nam Á.

Tổ công tác tiến hành 27 cuộc kiểm tra

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ giao năm 2017 của Tổ công tác.

Cụ thể, từ ngày, 1/1 đến 25/12, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương 21.914 nhiệm vụ. Trong đó, có 16.051 nhiệm vụ đến hạn đã hoàn thành, đạt 98,62% (đúng hạn: 14.068, quá hạn: 1983); chưa hoàn thành: 5.863.

Số nhiệm vụ quá hạn của năm 2017 chỉ chiếm 1,38% giảm 1,44% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 23,82% so với trước khi Tổ công tác được thành lập.

Trong năm 2017, Tổ công tác đã tiến hành 27 cuộc kiểm tra (7 cuộc kiểm tra về thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại 7 bộ, cơ quan, địa phương và 20 cuộc kiểm tra chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu).

Sau mỗi đợt kiểm tra, Tổ công tác đã có báo cáo kết quả gửi Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ hằng tháng. Đồng thời, có thông báo kết luận của Tổ công tác gửi từng bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra.

“Tổ đã thực hiện toàn diện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, giúp các Bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra có sự chuyển mình thực sự trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được đôn đốc thực hiện nghiêm. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách được Tổ công tác đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời tháo gỡ; kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính có nhiều chuyển biến; các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng phát huy trong thực tiễn”, Bộ trưởng cho biết.

Chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, vô cảm

Trước những kết quả và tồn tại trong năm 2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nêu lên những phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2018.

Theo đó, về cải cách TTHC, các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương tiếp tục đổi mới phương thức, lề lối làm việc; tổ chức triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo; xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, duy trì nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan hành chính.

Tiếp tục cải cách TTHC, tháo gỡ cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến đất đai, nông nghiệp nông thôn, ứng dụng CNTT, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng; bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công… Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và chi phí cho doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Một nhiệm vụ quan trọng được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh là tiếp tục phát huy có hiệu quả kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Đồng thời, phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong việc đối thoại, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC. Duy trì đều đặn và có hiệu quả, thực chất việc đối thoại giữa cơ quan Nhà nước với cộng đông doanh nghiệp.

Hoàn thiện thể chế xây dựng Chính phủ điện tử

Về việc xây dựng Chính phủ điện tử, trong năm 2018, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm khung pháp lý cho việc ứng dụng CNTT, an toàn thông tin mạng và xây dựng Chính phủ điện tử; nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến để xây dựng, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia để kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu; xây dựng, hoàn thiện Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ, ngành, địa phương bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Khung Kiến trúc Chính phủ Việt Nam.

Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp tục được xây dựng, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2018, tích hợp với Cổng dịch vụ công các bộ, địa phương; đồng thời tập trung triển khai có hiệu quả hệ thống thông tin một cửa điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.

Chính phủ đặt mục tiêu nâng cao chỉ số đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc đối với cả 3 nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực; phối hợp với các cơ quan đánh giá của Liên Hợp Quốc để kịp thời cung cấp thông tin chính xác, cập nhật về tình hình xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử tại các cơ quan Nhà nước của Việt Nam.

Tập trung kiểm tra chuyên đề

Về phương hướng, nhiệm vụ của Tổ công tác trong năm 2018, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Tổ sẽ tiếp tục kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt sẽ tập trung kiểm tra chuyên đề về công tác hoàn thiện thể chế; kiểm tra chuyên đề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, các Nghị quyết 19, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 36a/NQ-CP, Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ… và kiểm tra chuyên đề đối với các nhiệm vụ giao có tính cấp bách liên quan đến an sinh xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện.

Bộ trưởng Mai Tiễn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ cải cách TTHC, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục được xác định là động lực phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, đây là việc làm thường xuyên, liên tục của các cơ quan Nhà nước, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền.

“Khó khăn, thử thách vẫn còn đó nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương; sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công tác cải cách TTHC, xây dựng Chính phủ điện tử sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu và góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.

Chuyên đề