Huy động mọi nguồn lực cho phát triển bền vững

(BĐT) - Ngày 7/ 7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam (LHQ) và Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng xanh của Hợp tác Phát triển Việt – Đức tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuấn Dũng
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuấn Dũng

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh chủ trì Hội nghị. 

Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vừa được Thủ tướng ban hành vào tháng 5/2017. Đây là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững. Kế hoạch hành động của Việt Nam gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ chủ yếu được phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2030.

Đại diện cho Liên hợp quốc tại Việt Nam, Điều phối viên thường trú Kamal Malhotra nhấn mạnh: Thông điệp chủ chốt “không để ai bị bỏ lại phía sau” là trọng tâm trong hành động của Việt Nam và điều này sẽ không đạt được nếu không huy động và tìm kiếm sự tham gia rộng rãi của Chính phủ, các đối tác phát triển song và đa phương, các tổ chức chính trị xã hội và cũng như các nhóm khác đại điện cho quyền lợi của người dân theo cách tiếp cận “toàn quốc gia” trong quá trình thực hiện và báo cáo”. Ông Malhotra cũng khẳng định cam kết của LHQ trong phối hợp với Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động, cụ thể thông qua Kế hoạch chiến lược chung giữa Chính phủ Việt Nam và LHQ giai đoạn 2017-2021 được ký kết vào ngày 5 tháng 7 vừa qua.

Phát biểu tổng kết tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, phát triển bền vững là nhiệm vụ của Chính phủ, các Bộ ngành, và của từng doanh nghiệp, người dân. Quá trình thực hiện Kế hoạch hành động đòi hỏi phải có phân công trách nhiệm rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành, giữa Chính phủ và người dân, giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế; đồng thời phải tăng cường tính công khai minh bạch, đảm bảo cho tất cả các bên liên quan đều có thể giám sát được. Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực và ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững; đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để giúp Việt Nam tận dụng được các cơ hội và vượt qua thách thức, đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Chuyên đề