Giấc mơ xuân ở Kẻng Mỏ

(BĐT) - Một ngày cuối tháng 12, Thiếu úy Đặng Văn Mạnh, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ gọi điện cho tôi tâm sự: “Anh à, em lên nhận công tác tròn 3 tháng rồi, thi thoảng về Đồn có sóng gọi điện kể chuyện cho gia đình mà mọi người cứ không tin. Nhiều người vẫn thắc mắc sao tới năm 2017 rồi vẫn có những nơi heo hút đến như vậy. Chúng em ở đây chẳng ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Chỉ có một ước mơ khi mùa xuân về, không biết khi nào sẽ thành hiện thực…”.
Trao tặng lá Quốc kỳ từ đảo Sinh Tồn Đông (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) cho cán bộ chiến sĩ Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ bên mốc 18.2
Trao tặng lá Quốc kỳ từ đảo Sinh Tồn Đông (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) cho cán bộ chiến sĩ Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ bên mốc 18.2

Ở trên anh đầu nguồn con nước…

Đã từ lâu, giới đi bụi hay những người làm báo thích xê dịch thường bảo nhau: “Nếu đến Lai Châu mà chưa vào Mường Tè thì như chưa đến Lai Châu, vào Mường Tè mà chưa đặt chân tới Ka Lăng để ghé thăm nơi dòng Đà giang nhập quốc tịch Việt Nam thì như chưa đến Mường Tè”. Đúng là vậy, Lai Châu là tỉnh xa xôi, nghèo khó bậc nhất đất nước thì Mường Tè là huyện nghèo khó nhất của Lai Châu.

Thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ka Lăng chia sẻ, Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ nằm ở độ cao gần 1.600 m so với mực nước biển, cách Đồn Biên phòng Ka Lăng 40 km, cách huyện lỵ Mường Tè gần 100 km và cách Bộ Chỉ huy Biên phòng Lai Châu ngót 250 km. Trạm có nhiệm vụ quản lý đường biên mốc giới từ mốc 18.2 đến mốc 19 với 12,6 km biên giới giáp Trung Quốc. Trong đó có mốc 18.2, là cột mốc quan trọng, đánh dấu nơi dòng sông Đà chảy vào Việt Nam. Bộ đội và nhân dân vẫn quen gọi đây là Trạm đầu nguồn.

Dòng Đà giang khởi nguồn từ núi Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), dài 983 km (đoạn chảy trên đất Việt dài 543 km), trong đó có 232 km chảy trên địa phận tỉnh Lai Châu. Do độ dốc lớn và sức nước chảy xiết, sông Đà được các nhà nghiên cứu xếp vào loại "sông hung dữ bậc nhất ở Đông Dương". Chính đặc điểm ấy đã tạo cho nó trữ năng thủy điện dồi dào với 3 nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam là Hòa Bình, Sơn La và Thủy điện Lai Châu với tổng công suất dự kiến là 5.200 MW điện. Không chỉ có vậy, nguồn nước sông Đà còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết tưới tiêu, tránh lũ và cung cấp nước sinh hoạt cho các vùng hạ du… Chính vì vậy Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, rừng phòng hộ nơi thượng nguồn dòng Đà giang kỳ vỹ.

Tuy vậy, từ nhiều năm qua, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây vô cùng vất vả. Chỉ khoảng 10 năm trở lại đây mới có đường giao thông vào trạm, còn trước đó hoàn toàn là đi bộ hoặc đi xuồng ngược sông Đà. Trạm chỉ là 3 gian nhà gỗ được dựng từ lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, mùa đông thì sương lùa gió rít, mùa hè mưa táp nắng thiêu. Và có lẽ điều thiệt thòi nhất với bộ đội ở đây chính là khi các đảo ở Trường Sa hay nhà dàn DK1 còn có sóng điện thoại 2G còn Kẻng Mỏ thì không có cả điện lẫn sóng điện thoại. Những ngày mưa, cuộc sống gần như cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. 

Cuối dòng sông nơi ấy quê nhà…

Với những người lính biên phòng như chúng tôi thì thực sự “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Tuy nhiên ở đây thiếu thốn vật chất là một chuyện, cái thiếu nhiều hơn chính là cảm giác có “hơi người”.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là dòng sông Đà chảy từ Kẻng Mỏ về ngã ba Bạch Hạc (Phú Thọ) nhập vào với sông Hồng và sông Lô rồi chảy ra cửa biển Thái Bình. Hiện tại Trạm trưởng, Trạm phó Kẻng Mỏ đều là người con Thái Bình. Thiếu úy Đặng Văn Mạnh sinh năm 1994, quê ở An Minh, Quỳnh Phụ, Thái Bình đã làm Trạm trưởng từ tháng 9/2016. Người lính trẻ 22 tuổi ấy đến nhận nhiệm vụ trên  địa bàn cách quê nhà gần 800 km và không có điện sinh hoạt, không có sóng điện thoại di động. Thiếu úy Mạnh nói rằng, những năm đi học ở Học viện Biên phòng rất ít khi được ra ngoài nên anh ấy chưa có người yêu. Có lẽ những tháng ngày sắp tới cũng sẽ khó có được vì nơi anh đóng quân  cách khu dân cư gần nhất là bản Nậm Lằn tới 24 km. Tuổi trẻ của anh ấy là ở đây, là canh giữ dòng sông Đà chảy điện về xuôi. Mỗi tháng mức lương thiếu úy cộng với phụ cấp khu vực khó khăn được 17 triệu đồng, anh ấy gom góp gửi về quê 10 triệu giúp bố mẹ là nông dân nuôi em ăn học.

Trạm trưởng Mạnh mới có 3 tháng nhận nhiệm vụ ở Kẻng Mỏ, còn người đồng đội của anh đã có tới hơn 7 năm giữ trạm. Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Đoàn Anh Thơ, Phó Trạm trưởng sinh năm 1970 ở Kiến Xương, Thái Bình, nhập ngũ năm 1990, lên công tác tại biên phòng Lai Châu từ năm 1993 và đã gắn bó với tuyến Mường Tè từ năm 1999. Từ năm 2010, Đại úy Thơ đã về Kẻng Mỏ. Anh Thơ tâm sự: “Mấy chục năm gửi mình cho biên giới, xa gia đình, tôi cũng đã nếm trải không ít gian nan, vất vả của cuộc sống biên cương. Với những người lính biên phòng như chúng tôi thì thực sự “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Tuy nhiên ở đây thiếu thốn vật chất là một chuyện, cái thiếu nhiều hơn chính là cảm giác có “hơi người”. Mỗi khi muốn nghe hay gọi điện thoại chúng tôi phải chạy ra ngoài cả chục km. Còn điện thì chỉ trông vào một máy phát 8 KW đặt dưới suối, muốn xem được tivi thì phải tắt hết bóng điện. Mùa mưa thì gần như chỉ có đi bộ, lũ về thì máy phát điện cũng không dùng được. Những khi đó, hết thực phẩm, anh em phải đi bộ theo đường rừng ra ngoài mua đồ ăn của dân, ăn uống cũng phải dè sẻn vì không có điện, không có tủ lạnh nên đồ ăn không bảo quản được lâu”.

Đại úy Thơ xa nhà mấy chục năm, cậu con trai lớn cũng đã nhập ngũ đi bộ đội biên phòng như bố. Ở quê nhà vợ anh vẫn làm ruộng, cậu con trai thứ hai học lớp 6 và một mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Mọi người cứ nói đi bộ đội lương cao nhưng như Đại úy Thơ, phần lương mỗi tháng anh dành gửi về cho vợ con quá nửa (khoảng 15 triệu đồng), còn lại ở trên này anh cũng phải chi tiêu tiết kiệm lắm may ra mới đủ.

Tôi đến Kẻng Mỏ vài lần và luôn thấy ba điều rất tươi rất đẹp ở đây. Đó là cây cối hoa trái luôn tươi trĩu, là nụ cười người lính luôn tươi rói và sắc cờ Tổ quốc luôn tươi thắm giữa xanh thẳm bầu trời. Lần nào chia tay tôi cũng day dứt về những bộn bề khó khăn thiếu thốn của các anh, về cuộc sống nơi biên cương tận cùng Tổ quốc. Trong đó có giấc mơ mỗi khi mùa xuân về của Thiếu úy Mạnh, Đại úy Thơ cùng các đồng đội rằng: “Khó khăn vất vả thế nào chúng tôi cũng sẽ khắc phục và vượt qua, chỉ mong sao trạm sớm có ngôi nhà xây vững chắc thay thế căn nhà gỗ đã nhiều năm, xuống cấp, mối mọt hết rồi. Và nếu được thì mong thật sớm có điện và có sóng điện thoại, để chúng tôi bớt “lặng lẽ” nơi biên cương, được kết nối, gần gũi với gia đình, đồng đội và cuộc sống bên ngoài nhiều hơn. Và cũng là để hậu phương của chúng tôi ở nhà được yên tâm mỗi khi nhìn về biên giới nơi chồng, cha của mình đang ngày đêm canh giữ”.

Chuyên đề