CPI tăng 2,82% sau 3 tháng đầu năm

Dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm so với tháng trước, CPI bình quân quý I vẫn tăng 2,82% so với cùng kỳ 2017.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,27% so với tháng trước, trong đó 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm.

Nhóm giao thông giảm 0,77% do thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN giảm xuống 0% làm giá bán ôtô trong nước giảm theo. Giá xăng dầu giảm 1,3% so với tháng trước và giá vé ôtô khách, tàu hỏa giảm sau dịp tết Nguyên đán.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,62% (lương thực tăng 0,35%; thực phẩm giảm 1,05%) do giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm sau Tết Nguyên đán, làm CPI chung giảm 0,23%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,28%, chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh giảm giá gas từ ngày 1/3. Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,17%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,09%; bưu chính viễn thông giảm 0,04%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,1%.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,98% (dịch vụ y tế tăng 2,54%) do trong tháng có 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (tác động làm CPI chung tăng 0,1%); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,02%; giáo dục tăng 0,01% (dịch vụ giáo dục tăng 0,01%).

Tính chung 3 tháng đầu năm, CPI tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 3/2018 tăng 0,97% so với tháng 12/2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân tăng CPI trong quý I/2017 là do nhu cầu gia tăng tiêu dùng trong dịp Tết và lễ hội đầu năm, giá cả các mặt hàng thiết yếu thế giới tăng trở lại như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép... gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh một số mặt hàng thiết yếu trong nước tại một số tỉnh như giá khám chữa bệnh không thẻ BHYT, giá dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt, mức lương tối thiểu… cũng tác động đến chỉ số này.

Ở chiều ngược lại, trong 3 tháng đầu năm cũng có nhiều nguyên nhân kiềm chế tốc độ tăng CPI là giá thịt lợn, rau tươi, dịch vụ viễn thông, khí đốt giảm so với đầu năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 3 giảm 0,09% so với tháng trước và tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I tăng 1,34% so với bình quân cùng kỳ 2017.

Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3 giảm 0,35% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2017 và tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 tăng 0,27% so với tháng trước; tăng 0,22% so với tháng 12/2017 và giảm 0,09% so với cùng kỳ 2017.

Chuyên đề