Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên: Cần thiết tăng kết nối hạ tầng giao thông

(BĐT) - Hội nghị Đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019 vùng miền Trung và Tây Nguyên ngày 27/8/2018 tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguyệt Minh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Nguyệt Minh

Đây là hội nghị thứ hai được tổ chức, tiếp sau hội nghị đối với vùng Miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng diễn ra ngày 23/8/2018, để đánh giá giữa kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.

Lãnh đạo các tỉnh tham dự Hội nghị đánh giá rất cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có chủ trương trong việc tổ chức hội nghị theo vùng, tăng hiệu quả trao đổi, giúp các địa phương trong vùng có được cái nhìn chung về tình hình của toàn vùng và các vùng khác. Kết quả, cách làm tốt cũng như vướng mắc, khó khăn, giải pháp đối với mỗi địa phương sẽ là nguồn thông tin chung cho các địa phương khác tham khảo, chia sẻ.

Số liệu được Bộ KH&ĐT tổng hợp từ báo cáo đánh giá giữa kỳ của các địa phương cho thấy, các địa phương trong hai vùng cơ bản đạt được các mục tiêu trong nửa kỳ kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 – 2018 đặt ra của vùng miền Trung là 8 – 9%, thực hiện đạt 8,5%; vùng Tây Nguyên mục tiêu là 7 – 7,5%, thực hiện đạt 7,3%. Trong đó, các địa phương đạt kết quả khá là TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội mục tiêu cả giai đoạn vùng miền Trung là 1.605,6 nghìn tỷ đồng, thực hiện nửa kỳ được 65%; vùng Tây Nguyên mục tiêu 531,9 nghìn tỷ đồng, thực hiện nửa kỳ đạt 50,3%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2 – 3%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế một số địa phương phù hợp, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH&ĐT), kinh tế 2 vùng có bước tăng trưởng khá nhưng quy mô kinh tế từng địa phương còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Kinh tế biển chưa tạo được bước đột phá. Sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ, chưa có bứt phá mạnh mẽ, chưa có nhiều dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; công nghiệp chủ lực và các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm.

Môi trường đầu tư kinh doanh tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt thấp, chưa có các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất công nghiệp thấp, sức cạnh tranh của các sản phẩm hạn chế…

Đặc biệt, tính liên kết giữa các doanh nghiệp chưa nhiều, thiếu vai trò đầu tàu, dẫn dắt tạo lập chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất kinh doanh; chưa thực sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong vùng, phối hợp hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác để khai thác tiềm năng, thế mạnh của cả vùng. Vai trò “đầu tàu” hỗ trợ, là động lực, sức lan tỏa, liên kết, thúc đẩy các tỉnh trong vùng của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn yếu. Chưa phát huy tốt vai trò các cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hóa của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Vai trò động lực, sức lan tỏa trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn hạn chế.

Nhiều giải pháp được Bộ KH&ĐT, lãnh đạo các địa phương đưa ra để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn, trong đó nổi bật là huy động, sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và phát triển đô thị, hạ tầng các khu kinh tế ven biển, các khu, cụm công nghiệp, vì hạ tầng giao thông nhiều địa phương yếu kém, chưa có tính kết nối cao đang gây cản trở lớn đối với sự phát triển của hai vùng.

Chuyên đề