Đề xuất quy định giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu

Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tòa án nhân dân tối cao cho biết, thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã nhận được phản ánh của một số Tòa án và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam về những vấn đề vướng mắc khi giải quyết tranh chấp nhằm xử lý tài sản bảo đảm của các hợp đồng tín dụng.

Việc xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng là một trong những nhiệm vụ trong tâm được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội Khóa XIV vừa diễn ra, vấn đề xử lý nợ xấu cũng được đặt ra cấp bách, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị; hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự theo hướng thống nhất, đồng bộ cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được xác định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân là tất yếu.

Theo dự thảo, tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tranh chấp có đối tượng là khoản nợ xấu hoặc tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 42/2017/QH14. Người khởi kiện có nghĩa vụ chứng minh tranh chấp đó là tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm khoản nợ xấu

Theo dự thảo, Tòa án áp dụng Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 và các quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật Tố tụng dân sự, trừ quy định tại khoản 1 và 2 Điều 317 của Bộ luật này để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Trường hợp đang giải quyết tranh chấp về hợp đồng tín dụng thông thường nhưng khoản nợ được xác định là nợ xấu trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang xét xử theo thủ tục rút gọn. Trong trường hợp này, thời hạn xét xử theo thủ tục rút gọn được tính lại từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang xét xử theo thủ tục rút gọn.

Dự thảo nêu rõ, “Không có đương sự cư trú ở nước ngoài” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 là trường hợp tranh chấp không có đương sự sinh sống ở nước ngoài dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn khởi kiện hoặc khi Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang xét xử theo thủ tục rút gọn theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này. Tòa án xác định việc thường trú hoặc tạm trú theo quy định của Luật Cư trú.

“Tài sản tranh chấp ở nước ngoài” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự ở ngoài lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn khởi kiện hoặc khi Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang xét xử theo thủ tục rút gọn theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này.

Về tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14, dự thảo nêu rõ, trường hợp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tài sản của doanh nghiệp đang bị yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc đã bị mở thủ tụ phá sản, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.

Chuyên đề