Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, thảo luận về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc sửa Luật lần này bảo đảm quản lý chặt chẽ, có hiệu quả nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN), đồng thời tạo sự chủ động, linh hoạt và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc sửa Luật lần này bảo đảm quản lý chặt chẽ, có hiệu quả nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc sửa Luật lần này bảo đảm quản lý chặt chẽ, có hiệu quả nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

Làm rõ phạm vi áp dụng Luật

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã xác định rõ phạm vi áp dụng đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DN có vốn nhà nước. Theo đó, tiếp tục áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Không áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng.

Về vấn đề này, một số ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn về phạm vi điều chỉnh đối với đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DN có vốn nhà nước. Theo đó, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị rà soát, cân nhắc áp dụng Luật Đấu thầu đối với DN do Nhà nước nắm trên 65% vốn điều lệ để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, tránh tạo rào cản cho hoạt động kinh doanh của DN. Cũng có ý kiến đề nghị rà soát, cân nhắc áp dụng Luật Đấu thầu đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc không áp dụng Luật Đấu thầu hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng là thu hẹp phạm vi điều chỉnh, có thể thiếu chặt chẽ trong quản lý vốn nhà nước tại DN.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại Báo cáo thẩm tra Dự án Luật gửi Quốc hội, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc Dự thảo Luật đề xuất bỏ “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng” nhằm tạo sự đồng bộ với khái niệm DNNN quy định của Luật số 69/2014/QH13 là phù hợp. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, cần rà soát, sửa đổi quy định rõ việc quản lý vốn của Nhà nước tại các DN khác không thuộc DNNN tại Luật số 69/2014/QH13 để một mặt bảo đảm tăng cường quản lý vốn của Nhà nước và vốn của DNNN, song phải bảo đảm được quyền tự chủ và quyền quyết định kinh doanh của DN. Báo cáo cũng cho biết, một số ý kiến cho rằng, quy định này sẽ thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và điều này có thể dẫn đến thiếu chặt chẽ trong quản lý vốn nhà nước tại DN.

Không để khoảng trống pháp lý

Làm rõ vấn đề này trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, đây là vấn đề được tranh luận rất nhiều trong quá trình soạn thảo Luật. Bộ trưởng cho biết, quy định tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã thể chế hóa quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng cho rằng, việc chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoặc đối với các DN do Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên sẽ dẫn đến khoảng trống pháp lý đối với DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Theo Bộ trưởng, quy định của Dự thảo Luật cũng không làm suy giảm hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống và DN có cổ phần, vốn góp của DNNN. Hoạt động đấu thầu của các DN này đã giao cho người đại diện phần vốn nhà nước tại DN quyết định trên cơ sở phù hợp với tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại DN đó và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Đồng thời, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Với những lý do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động đấu thầu của DNNN theo phương án đã trình Quốc hội. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất giữa các luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ, có hiệu quả nguồn vốn nhà nước đầu tư vào DN, đồng thời tạo sự chủ động, linh hoạt và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Chuyên đề