Tăng hiệu quả công khai, giám sát trong đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng hiệu quả công khai thông tin, tăng cường giám sát, được nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh là “giải pháp của mọi giải pháp”chống tiêu cực trong đấu thầu. Dù pháp luật có chặt chẽ, công nghệ có hiện đại, thì trong điều kiện phân cấp mạnh cho chủ đầu tư, bên mời thầu, vẫn có thể có những sai sót trong công khai thông tin.
Thông tin được đăng tải trên Báo Đấu thầu đã giúp các chủ đầu tư, bên mời thầu lựa chọn được những nhà thầu có năng lực; giúp nhà thầu có kênh thông tin chính thống, chính xác để mở rộng cơ hội việc làm. Ảnh: Nhã Chi
Thông tin được đăng tải trên Báo Đấu thầu đã giúp các chủ đầu tư, bên mời thầu lựa chọn được những nhà thầu có năng lực; giúp nhà thầu có kênh thông tin chính thống, chính xác để mở rộng cơ hội việc làm. Ảnh: Nhã Chi

Thực tiễn này đòi hỏi phát huy hơn nữa vai trò của kênh thông tin tập trung, công khai về đấu thầu, màng lọc thẩm định thông tin phát hiện sai sót ngay từ đầu, đồng thời theo sát chuyển động thực tiễn, giúp tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, người dân đối với hoạt động đấu thầu.

Luật Đấu thầu đã có quy định về công khai thông tin trong đấu thầu. Toàn bộ thông tin từ bước đầu tiên là kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu đều được công khai, minh bạch trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu.

Để tính minh bạch hơn nữa, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tiếp tục quy định chặt chẽ về công khai tất cả các thông tin trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Trong đó, bổ sung quy định yêu cầu công khai thông tin về quá trình và kết quả thực hiện hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu nhằm góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan trong hoạt động đấu thầu, hạn chế tình trạng gian lận trong đấu thầu.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn thời gian qua, dù quy định đã rất đầy đủ, nhưng yếu tố thực thi vẫn có thể tác động lớn đến hiệu quả của việc công khai thông tin, đôi khi công khai hình thức, đúng quy định nhưng nhà thầu lại rất khó tiếp cận thông tin.

Pháp luật về đấu thầu phân cấp mạnh cho chủ đầu tư, bên mời thầu, trong đó trao quyền cho bên mời thầu tự đăng tải và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đấu thầu công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thực tiễn còn một số đơn vị dù có đăng tải, nhưng thông tin không đúng quy định; cố tình đăng tải chưa đúng loại gói thầu theo danh mục phân loại; đặt tên gói thầu chung chung khó tra cứu; đăng tải không đầy đủ, thiếu thông tin…

Trong giai đoạn 2017 - 2021, Báo Đấu thầu đã đăng tải hơn 1,3 triệu thông tin về đấu thầu. Thông tin đăng tải trên Báo được biên tập, kiểm duyệt, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, đăng tải đầy đủ, kịp thời, chính xác, đồng thời được sắp xếp, phân loại một cách khoa học theo địa phương, theo lĩnh vực, giúp chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu và độc giả dễ dàng tra cứu và tìm kiếm thông tin.

Những sai sót này có thể do trình độ chuyên môn của cán bộ đấu thầu, nhất là cán bộ cấp xã còn hạn chế, nhưng ở nhiều trường hợp, việc đăng tải thông tin không chính xác, không hợp lệ là do chủ đích của chủ đầu tư, bên mời thầu.

Để thêm màng lọc những sai sót mà đôi khi máy móc, công nghệ cũng không thể phát hiện, pháp luật hiện hành trao trách nhiệm cho Báo Đấu thầu thẩm định lại thông báo mời thầu đã được chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Báo Đấu thầu có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, phát hiện các thông tin chưa tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và thông báo cho đơn vị để chỉnh sửa thông tin.

Rất nhiều lỗi tại thông báo mời thầu đã được Báo Đấu thầu phát hiện như áp dụng sai loại gói thầu; thời gian dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu sai quy định; sai phương thức lựa chọn nhà thầu; nêu nhãn hiệu hàng hóa cụ thể; áp dụng bảo đảm dự thầu sai quy định… Khi phát hiện thông tin đăng tải không hợp lệ, bộ phận xử lý thông tin đấu thầu của Báo kịp thời liên hệ, hướng dẫn các đơn vị điều chỉnh cho đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Qua đó, Báo Đấu thầu đã phổ biến, cập nhật các quy định về cung cấp, đăng tải thông tin, giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc tự cung cấp thông tin, tránh được các hành vi tiêu cực, gian lận trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu cho biết, qua việc đăng tải công khai, tập trung, đầy đủ các thông tin về đấu thầu, phân loại một cách khoa học để dễ dàng tìm kiếm, Báo Đấu thầu đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, bên mời thầu lựa chọn được những nhà thầu có năng lực thực hiện hiệu quả gói thầu/dự án; nhà thầu có kênh thông tin chính thống, chính xác để mở rộng cơ hội việc làm.

Cùng với đăng tải thông tin trong đấu thầu, Báo đã tiếp nhận, thẩm định và làm rõ hàng nghìn đơn thư phản ánh, kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Nhiều hành vi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu và thông tin xử lý vi phạm đã được Báo Đấu thầu phản ánh kịp thời, đặc biệt là các chiêu thức cài cắm tiêu chí nhằm hạn chế cạnh tranh, thông thầu, làm giả hồ sơ, tài liệu đấu thầu, nâng khống giá thiết bị, vật tư trong đấu thầu… Thông qua đó, cảnh tỉnh các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật về đấu thầu; góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động đấu thầu. Báo cũng bám sát thực tiễn triển khai các dự án, gói thầu, phản ánh kịp thời vướng mắc, khó khăn, góp tiếng nói tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đồng thời cho thấy rõ hơn năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn…

Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của cơ quan báo chí, các tổ chức mặt trận, nhân dân… đối với hoạt động đấu thầu. Nhiều nhà thầu, chuyên gia kỳ vọng trong thời gian tới, Báo Đấu thầu tiếp tục đẩy mạnh công khai toàn diện thông tin trong hoạt động đấu thầu, phát huy vai trò thẩm định, giám sát và phản biện, tạo điều kiện để cộng đồng xã hội theo dõi hoạt động đấu thầu; chủ đầu tư, bên mời thầu có trách nhiệm hơn khi công khai thông tin đấu thầu... Trong đó, để tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tăng khả năng tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm của nhà thầu, cần tiếp tục quy định bắt buộc đăng tải tập trung thông báo mời thầu trên Báo Đấu thầu. Việc này nhằm giảm thiểu tình trạng dùng các chiêu thức tinh vi để công khai thông tin một cách khó tìm kiếm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, rồi lựa chọn đăng tải thông báo mời thầu trên những tờ báo có lượng phát hành thấp, các kênh phát thanh, truyền hình ít người xem và lựa chọn đăng tải vào những khung giờ đêm khuya, sáng sớm…

Thông lệ quốc tế về công khai thông tin trong đấu thầu:

* Tại châu Âu, sự minh bạch trong mua sắm công của Liên minh châu Âu (EU) được bảo đảm thông qua việc đăng tải trên Tạp chí chính thức của EU và phiên bản điện tử của Tạp chí có tên gọi TED (Tenders Electronically Daily) tại địa chỉ http://ted.europa.eu. Tại đây, các thông tin về đấu thầu từ kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu… được công bố rộng rãi.

Việc minh bạch thông tin về đấu thầu đã được các thành viên EU khẳng định trong cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đơn cử như Cộng hòa Ireland, ngoài việc đăng tải thông tin đấu thầu trên Tạp chí chính thức của EU, còn đăng tải trên nhật báo của nước này. Vương quốc Bỉ lựa chọn đăng tải công khai thông tin đấu thầu qua 3 đầu mối: Công báo của EU; Le Bulletin des Adjudications (Bản tin Đấu giá); các báo chí chuyên ngành khác...

Tại châu Á, Bản chào về mở cửa thị trường mua sắm chính phủ của Nhật Bản tại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) quy định thông tin đấu thầu của các cơ quan mua sắm cấp trung ương được đăng tải công khai trên báo giấy song hành cùng bản điện tử tại địa chỉ http://kanpou.npb.go.jp.

* Theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như JICA, ADB, WB, các thông tin về đấu thầu phải được công khai trên một tờ báo được phát hành rộng rãi toàn quốc của bên vay.

Chuyên đề