Trong “tam giác vàng khởi nghiệp”, làm gì để có thêm “kỳ lân”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có sức hút từ các startup. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp, quá trình vươn lên của các startup còn không ít gian nan, nhất là trong xu thế thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu. Cần tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận chính sách ưu đãi để startup đủ sức trỗi dậy trở thành “kỳ lân” vươn ra biển lớn.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang phát triển. Ảnh: Lê Tiên

“Hấp lực” với các nhà đầu tư

“Dạo bước trên những con phố nhộn nhịp của Hà Nội, tôi lại nghĩ đến câu chuyện của những doanh nghiệp (DN) nhỏ, điển hình là Bánh Chưng Nương Bắc chuyên kinh doanh các loại bánh thủ công, truyền thống của Việt Nam đã chuyển sang hình thức bán hàng trực tuyến trong đại dịch”. Bà Stephanie Davis, Phó Chủ tịch Google châu Á - Thái Bình Dương, Phụ trách khu vực Đông Nam Á bắt đầu bài phát biểu của mình như vậy tại sự kiện “Cùng nhau làm chủ tương lai” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Google tổ chức vừa qua.

Bà Stephanie Davis cho hay, trong suốt thời gian đại dịch, DN nhỏ này đã cập nhật trang web để bán hàng trực tiếp, chứ không chỉ thông qua dịch vụ vận chuyển đồ ăn, vì vậy số lượng khách hàng mới cũng như doanh thu có sự tăng trưởng. Họ sử dụng Google Workspace để một số nhân viên có thể làm việc tại nhà và năng suất của họ tăng. Đây chính là một trong những “hấp lực” của Việt Nam khiến Google quyết định giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số bằng cách cung cấp nhiều hơn cơ hội học tập và phát triển cho những nhân tài và DN khởi nghiệp.

Về sự sôi động trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam, trong một công bố mới đây, Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures đánh giá, Việt Nam đang là một trong 3 quốc gia tạo nên “tam giác vàng khởi nghiệp” tại khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.

Về tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam, Golden Gate Ventures đánh giá, Việt Nam đã trở thành “viên ngọc mới” khi vươn lên nằm trong bảng xếp hạng cùng với các nước dẫn đầu khu vực như Singapore và Indonesia với mức vốn đầu tư cao kỷ lục 1,4 tỷ USD rót vào các startup Việt năm 2021. Con số này cao gấp 1,6 lần so với con số 874 triệu USD vào năm 2019.

Theo ông Vinnie Lauria, đồng sáng lập Quỹ Golden Gate Ventures, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số với hệ sinh thái ĐMST đang phát triển cũng như sự sôi động của thị trường này khiến các nhà đầu tư rất yêu thích.

Đến thời điểm này, mặc dù con số thu hút đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp ĐMST Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 chưa được tiết lộ, song theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư vào khởi nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Hiện Việt Nam là một trong 2 quốc gia hồi phục phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới sau Covid-19, các chỉ số vĩ mô tốt. Đây là tiền đề cho môi trường đầu tư kinh doanh, ĐMST phát triển.

Quay lại quá khứ để thấy rõ hơn sự phát triển trong thu hút đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST Việt Nam, TS. Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch Mạng lưới ĐMST Việt Nam tại châu Âu (VINEU) chỉ rõ, xu thế khởi nghiệp của Việt Nam bắt đầu có những chuyển biến mạnh từ năm 2013 cho đến nay. Hiện tại, Việt Nam có một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt và hoàn chỉnh với khoảng 4.000 startup, trên 200 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó có khoảng 40 quỹ trong nước. Chính phủ Việt Nam đã có 40 tổ chức hỗ trợ và vườn ươm. Thời gian qua cũng chứng kiến sự ra đời của nhiều “kỳ lân” (những công ty khởi nghiệp có mức định giá trên 1 tỷ USD) như MoMo và VNPay…

Cần tạo đường băng cho các startup

Tiềm năng và cơ hội để startup Việt vươn lên rất lớn, nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, còn nhiều điều phải trăn trở. Ông Hiếu chia sẻ, mới đây, ông có dịp tham gia một buổi đối thoại với thanh niên khởi nghiệp năm 2022 và cảm thấy không vui khi nghe nhiều người trong số họ phàn nàn về việc không tiếp cận được chính sách ưu đãi cho DN khởi nghiệp, mặc dù Luật Đầu tư đã có quy định. Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự không thống nhất trong hướng dẫn thực hiện giữa các cơ quan thực thi. “Đây là điều đáng tiếc!”, ông Hiếu bày tỏ và cho rằng, còn nhiều trường hợp tương tự đang diễn ra ở các ngành khác.

Thực tế cho thấy, để hỗ trợ DN, trong đó có DN khởi nghiệp, năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong đó quy định các ưu đãi cho các DN đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST. Vậy nhưng các văn bản hướng dẫn chậm ban hành. Hiện nay, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP với việc xác định rõ cơ chế cho các DN khởi nghiệp sáng tạo, từ đó xác định cơ chế hỗ trợ cụ thể.

Ngoài ra, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp ĐSMT cũng cần tiếp tục cải thiện, trình tự thủ tục cần nhanh hơn, tạo điều kiện cho DN gia nhập thị trường, nắm bắt cơ hội.

Nhìn ở góc độ thu hút nhân sự, Shark Lê Đăng Khoa, nhà sáng lập Làng du lịch sinh thái Tre Việt cho hay, nhiều quốc gia lân cận cung cấp cơ chế mở thu hút nhân tài khởi nghiệp sáng tạo đến làm việc một cách dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên, để vào được Việt Nam, các chuyên gia này có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp visa, giấy phép lao động…

Ông Vinnie Lauria cho rằng, dù Việt Nam đã lọt vào tầm ngắm của các nhà sáng lập và nhà đầu tư quốc tế, vài năm tới mới chính là thời điểm thị trường này sẽ thực sự thu hút sự chú ý.

Để hoạt động khởi nghiệp ĐMST Việt Nam tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư, ông Vinnie Lauria khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục phát triển hệ sinh thái ĐMST trong nước, chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thông qua nâng cao công tác đào tạo…

Đồng quan điểm, bà Stephanie Davis cho rằng, Việt Nam cần đào tạo nhiều nhân lực chất lượng hơn nữa với những kỹ năng phù hợp để đưa quốc gia tiến lên, bởi các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực số ngày càng mở rộng trong khi lực lượng lao động lại thiếu hụt. “Google mong muốn góp phần hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ bằng việc xây dựng một đội ngũ nhân tài số hùng mạnh cho thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời thúc đẩy các công ty khởi nghiệp Việt Nam phát triển”, bà Stephanie Davis bày tỏ.

Một số nhà đầu tư khác đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu đưa ra các cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho DN khởi nghiệp ĐMST trong việc nhận vốn, cũng như thoái vốn của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Dưới góc độ là “bà đỡ” cho startup Việt, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, trong thời gian tới, NIC sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đề xuất chính sách phù hợp để thúc đẩy ĐMST, cũng như đề xuất xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể đầu tư kinh doanh và hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, NIC sẽ phối hợp đề xuất hướng dẫn xây dựng chính sách kết nối ĐMST các địa phương trên cả nước, từ đó thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST...

Không chỉ thu hút đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo, TS. Nguyễn Việt Anh chia sẻ niềm vui khi cho biết, cá nhân ông đang chứng kiến xu thế các DN Việt Nam sang châu Âu mở doanh nghiệp công nghệ hoặc các chi nhánh công ty. Việc này giúp DN theo sát thị trường, kết nối đối tác và chuyển giao công nghệ thuận tiện.

Chuyên đề