Thuế bất động sản sẽ hỗ trợ thị trường phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, hàng loạt đề xuất về tính thuế bất động sản được đưa ra lấy ý kiến. Trao đổi với Báo Đấu thầu, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng việc xây dựng các quy định này là cần thiết, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế Việt Nam cũng như các xu thế trên thế giới, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới.
Việc xây dựng các sắc thuế bất động sản sẽ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, điều tiết giá nhà đất, hình thành một thị trường lành mạnh và ổn định. Ảnh: Lê Tiên
Việc xây dựng các sắc thuế bất động sản sẽ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, điều tiết giá nhà đất, hình thành một thị trường lành mạnh và ổn định. Ảnh: Lê Tiên

Các cơ quan chức năng đang đề xuất xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), Luật Thuế bất động sản, trong đó đều đề cập việc nâng mức chịu thuế với bất động sản. Theo ông, các nội dung này có khả thi không?

Việc xây dựng các sắc thuế liên quan đến bất động sản là phù hợp với sự phát triển của thị trường và nền kinh tế. Trong đó, đề xuất áp dụng thuế suất cao hơn với việc giao dịch bất động sản có thời gian nắm giữ ngắn là hợp lý và khả thi. Mục đích của việc áp dụng thuế suất như vậy là để tránh tình trạng đầu cơ, góp phần điều tiết giá của bất động sản.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Thời gian qua, xuất hiện rất nhiều bất động sản chỉ trong một thời gian ngắn như 1, 2 năm thậm chí mỗi tháng đổi chủ sở hữu một lần. Nhà đầu tư “lướt sóng” nhằm thu lợi nhuận trong thời gian ngắn, dẫn đến giá bất động sản bị đẩy lên cao hơn sau mỗi lần giao dịch, gây ra tình trạng đầu cơ, tạo bong bóng bất động sản. Vì vậy, áp dụng thuế suất cao hơn với những giao dịch này sẽ làm giảm thiểu đáng kể lợi nhuận thu được từ việc mua bán bất động sản theo kiểu đầu cơ, “lướt sóng”. Khi lợi nhuận không còn cao, nhiều nhà đầu tư sẽ từ bỏ việc đầu cơ, kiếm chênh lệch ngắn hạn. Điều này sẽ giúp ổn định lại thị trường bất động sản rất bất ổn trong thời gian qua.

Đề xuất này sẽ là bước đệm rất quan trọng để hướng đến đánh thuế tài sản trong tương lai gần, nhất là đối với bất động sản, nhằm mục đích lành mạnh hóa thị trường, triệt tiêu rủi ro bong bóng bất động sản.

Tuy nhiên, những nhà hoạch định chính sách cũng cần lưu ý, quỹ nhà đất ở các thành phố lớn rất hạn chế trong khi nhu cầu tăng cao. Các nhà đầu tư có thể đẩy phần thuế thu nhập của mình cho bên mua (đồng nghĩa giá nhà đất vẫn tăng cao), mục tiêu hạn chế tình trạng đẩy giá của các nhà hoạch định chính sách lại gặp khó khăn.

Việc ban hành và thực thi các quy định mới về thuế này nếu được thông qua như dự kiến, cùng được thực hiện khoảng năm 2027 thì có gây ra sự chồng chéo về nội dung không, thưa ông?

Các quy định mới về thuế này có thể khác nhau về thời điểm ban hành, nhưng nếu được thông qua thì khoảng đầu năm 2027 là thời điểm cùng lúc được thực thi. Từ đây đến thời điểm đó là quãng thời gian không dài nhưng đủ để các cơ quan chức năng chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng các nội dung để tránh chồng chéo, tránh gây vướng mắc, khó khăn trong thực thi.

Theo ông, việc đưa ra các quy định mới này có phù hợp với xu thế tính thuế bất động sản trên thế giới và phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam không?

Trên thế giới, nhiều nước phát triển như Đức, Mỹ, Canada, Nhật Bản đã và đang có những luật quy định tương tự. Xây dựng các quy định này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế Việt Nam cũng như các xu thế trên thế giới là cần thiết.

Ông đề xuất gì về cách thức xây dựng và áp dụng các sắc thuế liên quan đến bất động sản tại Việt Nam để vừa tăng hiệu quả thu thuế vừa góp phần giúp thị trường phát triển lành mạnh?

Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng phạm vi, mức độ tác động của mỗi sắc luật khi ban hành. Đồng thời, cần tham khảo các quy định pháp luật liên quan của các quốc gia trên thế giới, xem xét tính khả thi, hiệu quả và phù hợp trong điều kiện của Việt Nam. Đặc biệt, cần lấy ý kiến và công bố, tuyên truyền rộng rãi để người dân được biết, đóng góp ý kiến cho các dự thảo chính sách. Như vậy, khi Nhà nước ban hành các quy định mới sẽ hài hòa cả nền kinh tế và ổn định của xã hội.

Những sắc thuế bất động sản dự kiến áp dụng:

*Luật Thuế bất động sản dự kiến sẽ được trình Quốc hội tháng 10 năm 2024 và được thông qua vào tháng 5 năm 2025, trong đó, tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà.

*Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) dự kiến thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và được thông qua vào tháng 5/2026. Theo đó, bổ sung quy định về thuế đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ, theo hướng áp dụng thuế suất cao hơn với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn.

* Tại dự thảo thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố, UBND TP.HCM đề xuất thu thuế nhà đất thứ hai trở lên.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư