Thị trường chăm sóc sức khỏe lớn nhanh cùng nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành y tế ngày càng tăng đã và đang giúp Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho các nhà sản xuất, cung ứng dược phẩm và thiết bị y tế (TBYT).
Thị trường chăm sóc sức khỏe lớn nhanh cùng nền kinh tế

Cơ hội trên thị trường 100 triệu dân

Thống kê dân số cho thấy, Việt Nam đang có xu hướng già hóa dân số. Đến năm 2050, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 11,9 triệu lên 29 triệu người, chiếm gần 1/3 tổng dân số; số người từ 80 tuổi trở lên sẽ tăng gấp 3 lần, chiếm gần 6% tổng dân số. Cùng với đó, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập khả dụng và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh đã cải thiện đáng kể điều kiện sống, khiến nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đã chi 5,7% GDP cho chăm sóc sức khỏe năm 2020, tương ứng 15,4 tỷ USD. Con số này được dự báo tăng lên 19,3 tỷ USD năm 2024 và 26,9 tỷ USD vào năm 2029.

Trong tổng chi phí y tế, Công ty Tư vấn chiến lược và nghiên cứu thị trường Report Ocean cho biết, thị trường TBYT trị giá 1,522 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ đạt 2,862 tỷ USD vào năm 2028.

Trong khi đó, theo Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), tổng chi tiêu cho ngành y tế tại Việt Nam dự kiến đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025, tương ứng với mức bình quân đầu người là 244 USD. Trong đó, chi tiêu cho TBYT chiếm khoảng 10%, tương ứng với 2,3 tỷ USD.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực, có ngành y tế ngày càng tiên tiến trong những năm gần đây. Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì vị trí TOP 20 thị trường TBYT ổn định và bền vững nhất toàn cầu.

Bệ phóng chính sách

Trong cuộc đua thu hút nguồn lực phát triển công nghiệp dược phẩm và TBYT, Chính phủ đã và đang nỗ lực ban hành nhiều chính sách, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Ngày 9/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu tăng tính tự chủ, từng bước làm chủ công nghệ, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực.

Theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị cho 6 bệnh viện ngang tầm quốc tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện Trung ương Tây Nguyên, 21 bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng, 20 bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng, các bệnh viện trường đại học… Đặc biệt, đầu tư xây dựng 2 khu phức hợp y tế chuyên sâu, dự kiến tại Bắc Ninh và Long An.

Để phát triển ngành sản xuất TBYT trong nước đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Bộ Y tế đang dự thảo Đề án Phát triển công nghiệp trang thiết bị y tế sản xuất trong nước đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch xây dựng luật về trang thiết bị y tế. Trong đó, Đề án sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất TBYT thiết yếu, thông dụng và một số TBYT công nghệ cao cho các tuyến y tế, nhất là y tế cơ sở. Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu đáp ứng 60% nhu cầu TBYT phục hồi chức năng và y học cổ truyền; trên 80% nhu cầu thiết bị tiệt trùng; 80% nhu cầu vật tư thông dụng và y cụ học đường; 40% nhu cầu vật liệu cấy ghép vào cơ thể…

Để đạt mục tiêu này, theo Đề án, ngành y tế sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất TBYT; hoàn thiện chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh và hội nhập quốc tế như ưu đãi đầu tư, thương mại hóa, tăng cường mua sắm công… Trong đó, Bộ Y tế đang đề xuất nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư có dự án sản xuất TBYT loại B khi thuê đất, miễn tiền thuê đất với dự án sản xuất TBYT loại C, D…

Bên cạnh đó, Chính phủ đang kiên trì hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Tính đến hết năm 2023, tổng số người tham gia BHYT đạt 93,628 triệu người, tương ứng bao phủ 93,35% dân số và dự kiến tăng lên mức 95% vào năm 2025. Trong bối cảnh Bộ Y tế đang nghiên cứu sửa đổi Luật BHYT, một số ý kiến đề xuất nâng dần mức đóng BHYT lên 6%, mở rộng phạm vi chi trả của quỹ BHYT…

Với cơ hội lớn mở rộng thị trường cho ngành dược phẩm và TBYT, nhiều chuyên gia nhận định, ngành dược, vật tư - TBYT sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số trong vài năm tới.

Đón cơ hội từ hội nhập

Các doanh nghiệp (DN) dược đang có sự chuyển động hướng đến những sản phẩm chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh. Theo Cục Quản lý dược, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng có xu hướng tăng, trong đó 28,2% DN có mức chi cho R&D chiếm 5 - 10%, 8,6% DN có tỷ lệ chi cho R&D trên 10%.

Theo báo cáo của Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), ngành sản xuất dược phẩm được xếp vào các ngành có tỷ lệ tăng trưởng nhanh chóng. Thị trường dược phẩm Việt Nam đang được định giá khoảng 7 tỷ USD năm 2023, dự báo sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026.

Trong 17 quốc gia có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới, Tổ chức IQVIA (trước đây là IMS Health and Quintiles) dự báo, Việt Nam nằm trong 12 quốc gia có mức tăng trưởng trên 10%. Doanh thu của ngành dược phẩm Việt Nam ước đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 8% trong giai đoạn 2019 - 2023.

Các doanh nghiệp dược trong nước đã sớm chủ động bắt tay kiến tạo hệ sinh thái, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Chẳng hạn, Công ty CP Dược phẩm Hậu Giang (DHG Pharma) đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) để nghiên cứu phát triển sản phẩm, tận dụng thế mạnh về năng lực phân phối của nhau…

Đối với ngành TBYT, các DN đang nỗ lực đầu tư để đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Theo Bộ Y tế, tổng vốn đầu tư thiết bị và vật tư y tế có tốc độ tăng trưởng mạnh, nhưng các nhà cung cấp nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… vẫn đang chiếm 90% thị phần. Các nhà cung cấp trong nước chỉ chiếm 10%, với những tên tuổi như: Vietmedical, Taneta, B Braun, Domesco…

Trong thời gian tới, những lĩnh vực trong ngành TBYT được Công ty CP GMPC Việt Nam dự báo có tiềm năng phát triển mạnh tại Việt Nam là y học chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cơ bản, y tế điện tử và phần mềm, y tế di động và sức khỏe số, y tế tiêu dùng, y tế áp dụng công nghệ cao, thiết bị cải tiến và tùy chỉnh, thiết bị và dịch vụ dự phòng… Ngoài ra, TBYT dùng một lần cũng có nhu cầu và tiềm năng tăng trưởng cao tại Việt Nam.

Theo Vietnam Report, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có FTA với Liên minh châu Âu đang và sẽ là động lực tăng trưởng của ngành dược phẩm và TBYT trong thời gian tới, khi tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn.

Chuyên đề