Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định rõ các gói thầu được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách nhằm bảo đảm mua được thuốc, vật tư y tế sớm nhất. Ảnh: Lê Tiên |
Cơ chế dần cởi mở
Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, từ ngày 1/6/2023 đến 2/4/2024, cả nước có hơn 5.000 gói thầu mua thuốc lựa chọn nhà thầu thành công. Số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu, trúng thầu cung cấp thuốc ngày càng đông đảo. Cùng khoảng thời gian trên, số gói thầu mua thuốc phải hủy thầu với lý do không có nhà thầu tham dự giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước (gần 30 gói thầu), phần lớn trong số này có giá trị không lớn, do các đơn vị y tế tuyến quận/huyện mời thầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều bệnh viện nhận định, công tác đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã phần nào được gỡ vướng từ sau Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế với hàng loạt chính sách linh hoạt. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, Nghị quyết đã góp phần “cởi trói”, gỡ khó cho các cơ sở y tế trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu liên quan đến mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế tiêu hao… Các bên mời thầu đã mạnh dạn áp dụng đấu thầu qua mạng.
Nghị quyết số 30/NQ-CP đột phá ở điểm các bệnh viện có thể công khai mời thầu mua hóa chất phục vụ cho thương hiệu cụ thể. Như vậy, các bệnh viện thuận lợi hơn khi lựa chọn nhà thầu cung ứng cùng một sản phẩm, có cùng tính năng, thông số kỹ thuật… để cạnh tranh về giá, chất lượng dịch vụ. Nghị quyết số 30/NQ-CP hướng tới việc trước tiên phải lựa chọn được sản phẩm đạt yêu cầu về chuyên môn, sau đó mới xây dựng báo giá để giảm giá gói thầu, đồng thời loại bỏ những sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, nhờ được gỡ vướng quy định tham khảo 3 báo giá, có quyền chọn giá cao trong xây dựng giá gói thầu, nhiều bệnh viện đã tích cực mời thầu để bổ sung kịp thời nguồn vật tư, thiết bị đang thiếu.
Nghị quyết số 30/NQ-CP bước đầu đã tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc, nhưng chỉ là tạm thời. Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực cùng với việc Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn liên quan mới thực sự tạo hành lang pháp lý đủ chặt chẽ cho công tác đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, tạo động lực cho các chủ đầu tư tiếp tục đấu thầu, mua sắm vì hiệu quả của đồng vốn nhà nước cũng như vì lợi ích của người bệnh.
Trao quyền và gỡ tối đa các vướng mắc
Nhiều giám đốc bệnh viện chia sẻ, Nghị quyết số 30/NQ-CP như một giải pháp thức thời để “rã đông” tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế cục bộ thời điểm đầu năm 2023. Trong khi đó, Luật Đấu thầu (sửa đổi), đặc biệt là Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đưa công tác này vào quỹ đạo, chuẩn mực, mang tính dài hơi.
Đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP có nhiều quy định giải quyết tối đa các bất cập trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Liên quan đến đấu thầu thuốc tập trung, để khắc phục tình trạng chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc với số lượng lớn, phạm vi giao hàng rộng dẫn đến một số trường hợp nhà thầu không đủ khả năng thực hiện hợp đồng, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định cho phép lựa chọn nhiều hơn 1 nhà thầu trúng thầu để nếu nhà thầu xếp hạng thứ nhất không còn khả năng cung cấp, chủ đầu tư được ký ngay hợp đồng với nhà thầu xếp hạng tiếp theo. Chủ đầu tư được mời thầu theo cách cho phép các nhà thầu được chào số lượng theo khả năng cung cấp của mình mà không nhất thiết phải chào theo đúng số lượng thuốc nêu trong hồ sơ mời thầu…
Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho chủ đầu tư; cắt giảm thời gian và chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đấu thầu qua mạng để nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế…
Đồng thời, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP có những quy định giải quyết căn cơ, tạo thuận lợi nhất có thể cho các cơ sở y tế trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế... Trong đó, quy định rõ các gói thầu được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cấp cứu người bệnh, phục vụ phòng chống dịch bệnh nhằm bảo đảm cơ sở y tế có thể mua được thuốc, vật tư y tế sớm nhất phục vụ công tác chuyên môn, không phải thực hiện thủ tục đấu thầu mất nhiều thời gian. Trường hợp thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng chưa tổ chức đấu thầu hoặc đã đấu thầu nhưng chưa chọn được nhà thầu hoặc thỏa thuận khung đã ký trước đó hết hiệu lực, bệnh viện được mua sắm theo thông báo của đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian tối đa 12 tháng và được bảo hiểm y tế thanh toán theo giá hợp đồng… Các chính sách này được đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đánh giá là “đặt quyền lợi và sức khỏe người dân lên trên hết”.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định, quy định này sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho các bệnh viện trong việc mua thuốc phục vụ khám chữa bệnh, cơ bản khắc phục tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và địa phương. Đặc biệt, một trong những vướng mắc, khó khăn đối với các cơ sở y tế thời gian qua là thu thập báo giá thì Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định, việc thu thập báo giá là một trong những căn cứ để xác định giá gói thầu. Trường hợp có nhiều hơn một báo giá, bệnh viện được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu. Trong khi đó, đối với các lĩnh vực khác thì chỉ được lấy giá trị trung bình của các báo giá làm giá gói thầu. Quy định nêu trên góp phần giúp bệnh viện lựa chọn được hàng hóa có chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu chuyên môn và khả năng tài chính.
Đại diện Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, các nội dung liên quan đến đấu thầu thuốc, vật tư tiêu hao cũng như trang thiết bị y tế là những nội dung trọng điểm được quy định tại Luật Đấu thầu (sửa đổi), các nghị định, thông tư hướng dẫn. Đặc biệt, trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã có nhiều cuộc làm việc với các bên liên quan, nhất là các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, Bệnh viện Chợ Rẫy... và trực tiếp nghe các đề xuất. Sau đó, nhiều nội dung đề xuất, kiến nghị đã được đưa ngay vào nghị định để tháo gỡ tối đa những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bệnh viện trong công tác đấu thầu.
Trong quý II/2024, khi các thông tư hướng dẫn mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư và thiết bị được Bộ Y tế ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác này.