Ưu thế thuộc về thiết bị tiên tiến, giá cả cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong giai đoạn 2010 - 2020, đường dây nóng Báo Đấu thầu thường xuyên tiếp nhận nhiều đơn kiến nghị, khiếu nại của các nhà thầu trong lĩnh vực y tế. Trong đó, nổi cộm nhất là các dự án đầu tư xây dựng mới bệnh viện quy mô từ 1.000 giường trở lên với danh mục thiết bị mua sắm giá trị lớn. Những bất cập của hồ sơ mời thầu đã phơi bày toàn bộ góc khuất của công tác đấu thầu thiết bị y tế, để lại nhiều hệ lụy.
Theo quy định hiện hành, hội đồng chuyên môn của bệnh viện có quyền cho ý kiến để đơn vị mua sắm chọn thiết bị theo hãng, theo xuất xứ để đảm bảo mục tiêu mua sắm. Ảnh: Tiên Giang
Theo quy định hiện hành, hội đồng chuyên môn của bệnh viện có quyền cho ý kiến để đơn vị mua sắm chọn thiết bị theo hãng, theo xuất xứ để đảm bảo mục tiêu mua sắm. Ảnh: Tiên Giang

Cài cắm thông số, cấu hình, thổi giá

Năm 2010 - 2020 có thể xem là giai đoạn nở rộ của các dự án đầu tư xây dựng mới các bệnh viện ở tuyến trung ương, khu vực và tỉnh. Đi kèm các dự án này là danh mục trang thiết bị y tế chuyên sâu, tân tiến, chi phí lớn tạo nên sức hút đối với đông đảo nhà thầu. Cùng với đó, “vấn nạn” cài cắm tiêu chí độc quyền, thông số đặc thù, cấu hình khu biệt của một thương hiệu thiết bị y tế trở nên phổ biến. Theo dòng dữ liệu, Báo Đấu thầu đã có nhiều loạt bài về tình trạng này tại các dự án mua sắm trang thiết bị y tế ở Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP.HCM…

Đặc biệt, tại nhiều địa phương, việc mua sắm các loại thiết bị đắt tiền như hệ thống chụp C.T nhiều lớp, hệ thống cộng hưởng từ MRI, hệ thống cung cấp và lắp đặt thiết bị chẩn đoán hình ảnh, hệ thống cung cấp và lắp đặt thiết bị tim mạch + thăm dò chức năng + nội soi chẩn đoán; cung cấp và lắp đặt hệ thống xét nghiệm sinh hóa, miễn dịch tự động, hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh… trở thành “cuộc chơi” của khoảng 10 doanh nghiệp độc quyền, thay nhau trúng thầu trong thời gian dài. Trong khi đó, có tới hơn 2.000 doanh nghiệp có khả năng tham gia thị trường cung cấp thiết bị y tế chuyên sâu tại Việt Nam.

Lý giải tình trạng này, theo đại diện Hội Thiết bị y tế TP.HCM, hầu hết các gói thầu mua thiết bị giá trị cao đều bộc lộ bất cập trong khâu xây dựng tiêu chí về cấu hình, thông số kỹ thuật. Số lượng rất lớn các thiết bị được mua sắm đều do đơn vị tư vấn lập theo đúng thông số kỹ thuật độc quyền của một hãng cụ thể. Do đó, dù có yêu cầu “tương đương” thì sản phẩm của các hãng sản xuất trên thị trường đều không đáp ứng được thông số nêu trong hồ sơ mời thầu (HSMT). Tại nhiều cuộc thầu, yếu tố cạnh tranh trở nên vô nghĩa. Tình trạng thường thấy nữa là, hãng có thiết bị đáp ứng đã ủy quyền cho một nhà thầu nên các nhà thầu còn lại bị hạn chế trong việc lựa chọn thiết bị chào thầu.

Một chuyên gia đấu thầu chia sẻ, do cài cắm nhiều tính năng độc quyền, định hướng đến một thương hiệu cụ thể, quá trình tổ chức đấu thầu mua thiết bị y tế thời gian trước đây luôn phát sinh nhiều kiến nghị kéo dài, phức tạp. Đồng thời, các bệnh viện thường phải sử dụng thiết bị với giá cao (khâu thẩm định giá phụ thuộc vào các báo giá bị thao túng). Vậy nhưng trang thiết bị y tế trong các cơ sở y tế công lập thường lạc hậu, lỗi thời, không chỉ so với các nước trên thế giới mà là so với khu vực y tế tư nhân, cho dù cùng một lượng vốn bỏ ra. Nhà thầu do tập trung chi phí “bôi trơn” mà lơ là các khâu bảo dưỡng, bảo trì, dẫn tới thiết bị nhanh chóng hỏng hóc, xuống cấp. Do coi nhẹ cả khâu thẩm định giá lẫn thẩm định HSMT, Nhà nước thiệt đơn thiệt kép khi mua sắm trang thiết bị với giá rất cao.

Hệ quả nhãn tiền là lĩnh vực mua sắm thiết bị y tế thời gian qua trở thành điểm nóng khi cơ quan chức năng vào cuộc. Nhiều vụ án bị khởi tố, nhiều bị can bị tuyên vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng do thông thầu, thổi giá, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Đơn cử, vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với số tiền sai phạm 476 tỷ đồng; vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại 4 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế do Sở Y tế TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư; vụ thông thầu gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 13 tỷ đồng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Tây Ninh; vụ án vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP. Thủ Đức (TP.HCM)…

Chuẩn mực từng khâu để đạt hiệu quả bền vững

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện nhiều bệnh viện cho biết, với hệ thống chính sách mới được ban hành, hai yếu tố “cấu hình” và “giá” không thể trở thành chiêu cài cắm khi mua sắm thiết bị y tế. “Theo quy định mới, hội đồng chuyên môn của bệnh viện có quyền cho ý kiến để đơn vị mua sắm chọn thiết bị theo hãng, theo xuất xứ để đảm bảo mục tiêu mua sắm. Do đó, chỉ cần làm tốt khâu thẩm định giá, HSMT được mở cho tất cả các hãng cùng vào cạnh tranh về giá”, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long chia sẻ.

Hội Thiết bị y tế Việt Nam khuyến nghị: “Để giải quyết dứt điểm vấn nạn cài cắm cấu hình, hãng bắt tay với nhà thầu, câu kết với chủ đầu tư độc quyền mua sắm thiết bị, mỗi HSMT nên xây dựng nhiều lựa chọn về cấu hình. Bởi hiện nay, từ góc độ doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế, chúng tôi nhận thấy, mỗi hãng sản xuất thiết bị y tế lớn trên thế giới đều cạnh tranh khốc liệt về chức năng, tính ưu việt của từng sản phẩm. Mỗi hãng đều có thông số kỹ thuật đặc thù, không thể trộn lẫn. Do đó, nếu HSMT có thể mở cho ít nhất 3 hãng lớn vào, việc cạnh tranh về giá sẽ là tiêu chí cuối cùng. Mục đích là bệnh viện sẽ được sử dụng thiết bị tân tiến nhất, người bệnh được chăm sóc, chữa trị tốt nhất”.

Trong khi đó, theo các nhà thầu cung cấp thiết bị y tế, khung pháp lý đấu thầu đã dần hoàn thiện về mua sắm thiết bị, vật tư y tế, giúp tăng cơ hội cạnh tranh, minh bạch. Tuy nhiên, việc thực thi của các chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền, đội ngũ tư vấn tại mỗi dự án, mỗi gói thầu là yếu tố trọng yếu. Chỉ khi các cấp thực thi đặt lợi ích bệnh viện, lợi ích người bệnh, sức khỏe nhân dân lên trên, sẽ không còn tồn tại những HSMT cài cắm, không còn những tiêu chí độc quyền mà chỉ 1 hãng đáp ứng. Các nhà thầu khi dự thầu sẽ tập trung cạnh tranh, cung cấp sản phẩm chất lượng mà không bị phân tâm do phải làm rõ, kiến nghị. Đó mới là hiệu quả bền vững khi thực thi chính sách đấu thầu trong lĩnh vực này.

Chuyên đề