Thêm động lực từ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến bất định của tình hình thế giới và dư địa tạo động lực tăng trưởng của chính sách tài khoá, tiền tệ hạn chế. Trong khi đó, các bộ, ngành, địa phương thiếu động lực cải cách.
Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ đem lại hiệu quả tức thì cho doanh nghiệp mà còn đảm bảo hiệu quả bền vững, dài hạn. Ảnh: Lê Tiên
Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ đem lại hiệu quả tức thì cho doanh nghiệp mà còn đảm bảo hiệu quả bền vững, dài hạn. Ảnh: Lê Tiên

Vì thế, hơn lúc nào hết, nhóm giải pháp về cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nên được xem là công cụ quan trọng cho sự phục hồi và nâng tầm doanh nghiệp (DN).

Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trầm lắng

Với việc duy trì áp lực cải cách và những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, một số kết quả tích cực đã được ghi nhận. Trong 9 tháng năm 2022, cả nước có 163,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước và gấp 1,45 lần số DN rút lui khỏi thị trường. Đến tháng 9/2022, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đã giải ngân 55.000 tỷ đồng, đạt gần 16%. Trong đó, gói hỗ trợ giảm thuế, phí, lệ phí; thuế môi trường với nhiên liệu bay, xăng được đánh giá là có ý nghĩa và thực hiện hiệu quả hơn so với các gói hỗ trợ khác.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Kết quả này thể hiện nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nỗ lực vực dậy và sự chủ động của cộng đồng DN.

Tuy vậy, năng lực cạnh tranh của DN, nhất là khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả nhân tố bên ngoài, thể chế trong nước và bản thân nội tại DN.

Về nội tại, khu vực kinh tế tư nhân trong nước dù chiếm tới 98% tổng số DN nhưng chưa mạnh, lại gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh nên sức chống chịu của DN suy giảm. Những khó khăn về vốn, lao động luôn là nỗi lo thường trực đối với DN nhỏ và vừa, và càng nghiêm trọng hơn đối với DN sau hai năm bị kiệt quệ bởi dịch bệnh. Thực tế này thể hiện qua con số 112,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021, phần lớn là tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn.

Mặt khác, theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, quy mô vốn của DN gia nhập thị trường đang có xu hướng giảm, thể hiện tâm lý thận trọng của DN khi đầu tư sản xuất kinh doanh, cũng như khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Từ bên ngoài, năng lực cạnh tranh của DN đang bị tác động nặng nề bởi chi phí xăng dầu tăng cao, lạm phát và suy thoái ở các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn như Mỹ, EU, dẫn tới nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí nguyên vật liệu tăng cao và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.

Trong khi đó, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh lại trầm lắng, thậm chí có lĩnh vực khó khăn và thêm rào cản. Điển hình là tình trạng nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên… Tình trạng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thường xuyên, liên tục cũng dẫn tới tâm lý lo ngại làm sai ở các cấp thực thi. Đơn cử, có một số thủ tục hành chính nếu như trước đây chỉ cần một cơ quan giải quyết, thì nay phải xin ý kiến của tất cả các sở, ngành liên quan. Điều này làm kéo dài thời gian, tốn kém chi phí và thậm chí không giải quyết được vấn đề. Vì thế, DN thiếu một trợ lực quan trọng và có ý nghĩa để phục hồi và phát triển.

Bên cạnh áp lực nặng nề bởi chi phí xăng dầu, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng..., DN còn đối mặt với nhiều loại chi phí tuân thủ. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát, kiến nghị cắt giảm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, song đã hết quý III/2022 vẫn không có biến chuyển nào đáng kể.

Tương tự, về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, chỉ lĩnh vực kiểm dịch động vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và đăng kiểm (thuộc Bộ Giao thông vận tải) có thay đổi tích cực được cộng đồng DN ghi nhận, còn hầu hết các lĩnh vực khác đều trầm lắng, thiếu sự quan tâm.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, vẫn mang nặng tính hình thức. Các bộ, ngành, địa phương công bố nhiều thủ tục trực tuyến cấp độ 3, 4 nhưng mức độ sử dụng trên thực tế chưa được như công bố; thậm chí, nhiều thủ tục trực tuyến người dân và DN không thực hiện được. Vì thế, DN không mặn mà lựa chọn phương thức giao dịch này…

Củng cố thêm động lực và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN

Nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong khi các bộ, ngành, địa phương thiếu động lực cải cách. Điều này có thể dẫn tới bào mòn năng lực cạnh tranh, làm suy giảm động lực của DN. Chính vì vậy, nhóm giải pháp về cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nên được xem là một công cụ quan trọng cho sự phục hồi và nâng tầm DN.

Để tăng tốc cải cách, cần chú trọng một số giải pháp. Trước hết, Chính phủ cần chỉ đạo liên tục, nhất quán việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng đơn giản hoá thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí, và đảm bảo môi trường pháp lý an toàn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần khôi phục lại mô hình Tổ công tác của Chính phủ để góp phần tạo áp lực cải cách, giám sát và nâng cao hiệu quả thực thi.

Bên cạnh đó, cần tạo lập cơ chế để đảm bảo an toàn cho cán bộ thực thi khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới nhiều lĩnh vực mà văn bản có sự mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, hướng tới giúp cho việc thực thi và tuân thủ pháp luật tốt hơn, chứ không phải dưới hình thức “bới lông tìm vết”.

Chú trọng thực thi các giải pháp về cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành, qua đó tiếp thêm động lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN xuất nhập khẩu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng dịch vụ công trực tuyến; kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Tăng cường năng lực của hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ DN; cung cấp đa dạng các dịch vụ hỗ trợ DN như: hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, thông tin thị trường, cơ sở kỹ thuật dùng chung hỗ trợ DN, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho DN...

Các cơ quan công quyền cần thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với DN để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết khó khăn, vướng mắc. Sau mỗi hội nghị, đối thoại, cần thiết lập cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả giải quyết khó khăn, vướng mắc và rút ra bài học.

Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ đem lại hiệu quả tức thì cho DN mà còn đảm bảo hiệu quả bền vững, dài hạn. Vì thế, hơn lúc nào hết cần khơi dậy, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện nhóm giải pháp này, củng cố thêm động lực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tiếp sức cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn để phục hồi và phát triển.

Chuyên đề