Nhiều ưu đãi đầu tư cho đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư vừa có hiệu lực đã cụ thể hóa nội dung của Luật Đầu tư cũng như chủ trương, chính sách của Đảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) trở thành một động lực phát triển đất nước. Với cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng sẽ có một làn sóng đầu tư vào ĐMST thời gian tới.
Cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP có thể tạo “làn sóng” mới thúc đẩy đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Ảnh: Gia Khoa
Cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP có thể tạo “làn sóng” mới thúc đẩy đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Ảnh: Gia Khoa

Nghị định 31 là nghị định đầu tiên cụ thể hóa cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư và đặc biệt là ưu đãi đầu tư dành cho ĐMST. Nghị định đưa vào đối tượng được hưởng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, đó là Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và doanh nghiệp, dự án đặt tại NIC. Cụ thể, Điều 20 Nghị định 31 quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với NIC và toàn bộ cơ sở trực thuộc đặt ngoài trụ sở chính của Trung tâm.

Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo Khoản 6 Điều 19 Nghị định 31 bao gồm: NIC được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; trung tâm ĐMST khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập nhằm hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, thành lập doanh nghiệp ĐMST, thực hiện hoạt động thúc đẩy ĐMST, nghiên cứu và phát triển tại trung tâm; dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; dự án thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Chủ thể hưởng ưu đãi được chia thành 2 nhóm. Thứ nhất là nhóm các dự án liên quan đến ĐMST (ngành nghề, lĩnh vực đầu tư); nhóm thứ hai là các chủ thể ĐMST gồm các trung tâm ĐMST (do cơ quan nhà nước lập ra như NIC hay trung tâm ĐMST do các bộ, địa phương thành lập) và trung tâm ĐMST do doanh nghiệp thành lập. Nghị định này cụ thể hóa cụm từ thế nào là trung tâm ĐMST, điều kiện để thành lập trung tâm ĐMST.

Theo Điều 19 Nghị định 31, trung tâm ĐMST được hưởng ưu đãi khi đáp ứng các điều kiện: có chức năng hỗ trợ, phát triển, kết nối doanh nghiệp ĐMST với hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST; có một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật để phục vụ hỗ trợ, phát triển, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST…

Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi khi: Sản xuất sản phẩm hình thành từ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, phần mềm máy tính, ứng dụng trên điện thoại di động, điện toán đám mây; sản phẩm được tạo ra từ các dự án sản xuất thử nghiệm, sản phẩm mẫu và hoàn thiện công nghệ; sản xuất sản phẩm đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST quốc gia, các giải thưởng về khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về giải thưởng khoa học và công nghệ; dự án của các doanh nghiệp hoạt động tại các trung tâm ĐMST, trung tâm nghiên cứu và phát triển...

Nghị định 31 cũng sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC, trong đó quy định đặc thù về việc tiếp nhận, sử dụng tiền tài trợ, viện trợ và có những quy định rất mới góp phần tạo cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích sự phát triển của Trung tâm mà tại Nghị định số 94/2020/NĐ-CP chưa đề cập rõ. Chẳng hạn như thẩm quyền tiếp nhận dự án viện trợ; được phép sử dụng tài trợ, viện trợ cho chi thường xuyên bao gồm cả các phần lãi vay tiền tài trợ, viện trợ…

Đại diện NIC nhấn mạnh, đây là động lực quan trọng và sẽ có tác động lớn tới các hoạt động đầu tư cho ĐMST ở Việt Nam.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nghị định 31 không chỉ là một bước cụ thể hóa Luật Đầu tư hay chủ trương, chính sách của Đảng mà còn mở ra cánh cửa mới thúc đẩy ĐMST ở Việt Nam khi lần đầu tiên có khung khổ chính sách cụ thể và rất có ý nghĩa cho hoạt động này. Theo một số chuyên gia, cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho ĐMST tại Nghị định 31 có thể tạo “làn sóng” mới thúc đẩy đầu tư vào ĐMST, qua đó đưa Việt Nam trở thành điểm đến của ĐMST trong kỷ nguyên mới.

Chuyên đề