Bệnh viện thiếu thuốc, DN không muốn dự thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo phản ánh của một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Tim Hà Nội..., hiện số thuốc Protamin Sulfat chỉ đủ dùng trong một vài tuần, nếu không kịp mua sắm thì các ca mổ tim sẽ phải dừng lại. Có ý kiến cho rằng, câu chuyện này sẽ tiếp tục xảy ra ở nhiều mặt hàng thuốc khác, nếu như Bộ Y tế không sớm sửa đổi Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Tim Hà Nội..., hiện số thuốc Protamin Sulfat chỉ đủ dùng trong một vài tuần. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Tim Hà Nội..., hiện số thuốc Protamin Sulfat chỉ đủ dùng trong một vài tuần. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nguy cơ thiếu thuốc hiện hữu

Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế (QLD) cho biết, Protamin Sulfat thuộc danh mục thuốc hiếm, nên được ưu tiên trong việc xem xét cấp Giấy đăng ký lưu hành (GĐKLH). Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có cơ sở nhập khẩu (CSNK) nào nộp hồ sơ đề nghị cấp GĐKLH tại Việt Nam cho thuốc chứa hoạt chất Protamin Sulfat. Thời gian gần đây, Cục đã cấp phép cho một số CSNK thuốc tiêm chứa hoạt chất Protamin Sulfat (chưa được cấp GĐKLH) để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh (KCB) như: Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Thái An, Công ty TNHH Dược phẩm Việt Pháp được cấp phép nhập khẩu dung dịch tiêm Prosulf (hoạt chất Protamin Sulfat 10mg/ml); Công ty CP Dược phẩm Trung ương Codupha được cấp phép nhập khẩu dung dịch tiêm Pamintu (hoạt chất Protamin Sulfat 10mg/ml).

Mặc dù số lượng thuốc Protamin Sulfat đã được cấp phép nhập khẩu theo đúng nhu cầu dự trù của các cơ sở KCB, nhưng Cục QLD cho rằng, sắp tới thuốc có thể thiếu do nhu cầu tăng hơn so với dự trù.

Trong khi đó, Protamin Sulfat vừa là thuốc hiếm, vừa có nhu cầu không lớn, nên nhà sản xuất thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng. Sau khi nhận được dự trù của các cơ sở KCB và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, các CSNK của Việt Nam mới đặt hàng với nhà cung cấp thuốc nước ngoài. Trường hợp không chủ động, kịp thời đặt hàng, thì có thể dẫn đến việc thiếu thuốc tạm thời.

Để khắc phục tình trạng này, Cục QLD đề nghị các Sở Y tế, cơ sở KCB phải chủ động liên hệ kịp thời với các CSNK thuốc để đặt hàng, mua sắm kịp thời; chủ động tiến hành công tác dự trữ thuốc…

Doanh nghiệp thờ ơ vì giá kế hoạch thấp

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một trong những CSNK được cấp phép nhập Protamin Sulfat cho biết, doanh nghiệp (DN) chưa có kế hoạch nhập khẩu dù đã nhận được nhiều đơn đặt hàng (tăng 50% so với năm ngoái). Nguyên nhân là nhà sản xuất đã tăng giá thuốc, trong khi giá kế hoạch mua thuốc lại quá thấp.

“Thông thường, mỗi năm giá nhập khẩu sẽ tăng khoảng 20%. Trong khi đó, các bệnh viện lại muốn mua giá rẻ, năm nay phải rẻ hơn năm ngoái. Việc giảm giá là không thể thực hiện được, nhất là trong bối cảnh trượt giá mạnh như hiện nay. Nếu nhập thuốc về thì DN không có lợi nhuận, chưa kể nỗi lo phải hủy thuốc khi hết hạn nếu không được sử dụng hết số lượng đã đăng ký, gây thiệt hại kinh tế và bị bệnh viện nợ đọng tiền thuốc…”, DN chia sẻ.

Đây cũng là thực tế xảy ra khi đấu thầu thuốc ARV cho bệnh nhân HIV-AIDS trong thời gian qua. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia thuộc Bộ Y tế, qua khảo sát, có 3 nhà thầu đạt yêu cầu kỹ thuật, nhưng khi mời vào thương thảo hợp đồng thì cả ba đều từ chối.

Để khắc phục tình trạng thiếu các thuốc thiết yếu đang xảy ra, PGS. TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, cần nhanh chóng sửa đổi Thông tư 15/2019/TT-BYT, bởi quy định giá kế hoạch của từng thuốc, dược liệu không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc, dược liệu đó đã được Bộ Y tế công bố trong vòng 12 tháng trước hoặc phải có 3 báo giá là đã hết sức lỗi thời.

“Chúng tôi vừa họp để tìm nguyên nhân tại sao mời thầu xong lại hủy, đấu thầu 2 - 3 lần vẫn chưa thể mua được thì được báo cáo rằng: cái này không có công ty báo giá, cái kia không có công ty chào thầu… Trong 12 tháng qua, đặc biệt là 2 năm chống dịch Covid-19, gần như tất cả đều tập trung cho mua sắm hàng hóa phòng chống dịch cấp bách, ít mua sắm cho những bệnh thông thường, nên không có kết quả trúng thầu hay có đủ 3 báo giá để lập giá kế hoạch”, ông Cơ chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Y tế, nếu đề xuất tính thời điểm mua - bán là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế, sẽ tháo gỡ được một số khó khăn trước mắt, giúp bệnh viện lập giá kế hoạch sát với giá thị trường, nhà thầu yên tâm dự thầu. Nếu tính như trước đây, chưa tính tới chi phí tăng cao, hàng hóa còn phải nằm kho trong một thời gian dài nữa, trong khi bệnh viện thiếu thuốc.

Chuyên đề