Giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế - Bài 2: Khó khăn trong triển khai mua sắm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, không ít cơ sở khám chữa bệnh rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư phục vụ bệnh nhân, nhất là thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, thuốc biệt dược, vật tư tiêu hao. Đây là vấn đề đáng báo động, ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Vậy đâu là nguyên nhân và cần có những giải pháp gì để giải quyết triệt để vấn đề này?
Các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế chưa rõ ràng và thống nhất, dẫn đến cách hiểu, cách làm khác nhau. Ảnh: Nhã Chi
Các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế chưa rõ ràng và thống nhất, dẫn đến cách hiểu, cách làm khác nhau. Ảnh: Nhã Chi

Bài 2: Khó khăn trong triển khai mua sắm

Một trong những lý do khiến các đơn vị mua sắm trong ngành y tế có tâm lý sợ trách nhiệm, không dám mua sắm dù đúng thẩm quyền; nhà thầu “nằm im” không tham dự thầu... dẫn đến thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế (VTHCSP-TTBYT) là các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, VTHCSP-TTBYT chưa rõ ràng và thống nhất, dẫn đến cách hiểu, cách làm khác nhau. Chính vì vậy, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành phải rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan để khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, VTHCSP-TTBYT.

Xây dựng giá kế hoạch thuốc - khó khăn trăm bề

Lý giải việc chậm trễ trong mua sắm, đấu thầu thuốc tại Hải Dương, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh cho biết, hiện có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chưa được cập nhật, sửa đổi kịp thời, hoặc thiếu quy định cụ thể. Quá trình xét thầu thuốc - VTHCSP-TTBYT là đánh giá theo từng mặt hàng, phải kiểm tra nhiều thông tin liên quan để so sánh, đối chiếu như: danh mục thuốc (DMT), giá kê khai, danh sách nhà thầu vi phạm, DMT vi phạm… Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa công bố hoặc cập nhật không kịp thời các DMT (DMT được cấp phép lưu hành bởi một trong các cơ quan quản lý tham chiếu, DMT được cấp phép lưu hành bởi một trong các cơ quan quản lý dược của nước thuộc danh sách SRA (Stringent Regulatory Authorities - cơ quan quản lý dược chặt chẽ), DMT được sản xuất từ nguyên liệu (dược chất) được sản xuất tại các nước thuộc danh sách SRA, nguyên liệu (dược chất) được cấp giấy chứng nhận CEP). Trong khi thực tế, DMT đấu thầu thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung. DMT có hàng nghìn mặt hàng, đa dạng về chủng loại, trong đó nhiều mặt hàng thiếu tiêu chuẩn chung.

Cán bộ của Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung cấp quốc gia thuộc Bộ Y tế cho biết, theo quy định hiện hành (như: Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP…), nguyên tắc rà soát, công bố giá thuốc kê khai là không được cao hơn giá bán thuốc tại các nước ASEAN; tính chính xác của các yếu tố chi phí cấu thành giá bán sản phẩm của cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc hoặc cơ sở đặt gia công thuốc kê khai; sự phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá sản phẩm như nguyên, nhiên liệu, tỷ giá, tiền lương và các chi phí khác liên quan trong trường hợp thuốc điều chỉnh tăng giá.

Tuy nhiên, các đơn vị mua sắm rất khó tham khảo giá bán thuốc tại các nước ASEAN, bởi giá cả không thống nhất, không cùng một hệ quy chiếu, không đầy đủ và không có giá trị pháp lý. Việc kê khai giá thuốc phụ thuộc vào tính trung thực của doanh nghiệp (DN) và khó xác định, tách bạch các chi phí cấu thành giá thuốc kê khai như chi phí nhân công, khấu hao máy móc, chi phí bán hàng, chi phí tài chính, chi phí quản lý...

Ngược lại, có DN cho rằng, họ cũng khó chứng minh được các chi phí cấu thành giá bán sản phẩm như Thông tư số 25/2014/TT-BTC.

Lúng túng trong thực hiện

Mua thuốc đã khó, mua VTHCSP-TTBYT lại càng khó khăn hơn, bởi có hàng ngàn mặt hàng, đa dạng và không thống nhất về tiêu chí kỹ thuật.

Các đơn vị mua sắm rất khó tham khảo giá bán thuốc tại các nước ASEAN, bởi giá cả không thống nhất, không cùng một hệ quy chiếu, không đầy đủ và không có giá trị pháp lý. Việc kê khai giá thuốc phụ thuộc vào tính trung thực của doanh nghiệp và khó xác định, tách bạch các chi phí cấu thành giá thuốc kê khai như chi phí nhân công, khấu hao máy móc, chi phí bán hàng, chi phí tài chính, chi phí quản lý...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, hiện chưa có đầy đủ và thống nhất các mã danh mục VTHCSP-TTBYT, gây khó khăn cho việc xác định, thẩm định giá kế hoạch, xây dựng hồ sơ mời thầu, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, làm mất rất nhiều thời gian để chấm thầu. Mặc dù VTHCSP-TTBYT đã có giá kê khai trên Cổng công khai giá TTBYT của Bộ Y tế, nhưng có nhiều mặt hàng có giá kê khai quá cao so với thực tế và giá trúng thầu tại các địa phương, dẫn đến mỗi nơi một giá, chưa thống nhất giá chung trong toàn quốc. Trên Cổng, hầu hết DN chỉ công khai giá của thiết bị chính, không ghi đủ thông tin về cấu hình, tính năng chi tiết và giá các thiết bị phụ trợ đi kèm.

“Khi xây dựng giá kế hoạch mua VTHCSP-TTBYT, Bệnh viện phải tra cứu thông tin, nhưng có đến 4 website để khảo giá, làm mất rất nhiều thời gian. Thông tin kèm theo chưa được đầy đủ về cấu hình, tính năng, kỹ thuật, do đó khi xác định giá của thiết bị theo Khoản 3, Điều 8, Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế rất khó khăn. Nếu cao hơn giá trúng thầu thì buộc Bệnh viện phải giải trình, thuyết minh…”, ông Huỳnh Hữu Pho - Trưởng phòng TTBYT của Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Cũng vì lý do này, theo ông Nguyễn Việt Hà - Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, các gói thầu mua sắm tập trung VTHCSP-TTBYT cấp địa phương do Sở Y tế đảm nhiệm được khởi động từ đầu năm, nhưng đến nay, vẫn chưa thể tổ chức mời thầu được, nên phải trả lại cho các cơ sở y tế tự mua sắm. Song các cơ sở y tế cũng không dễ triển khai hơn.

Về phía DN, ông Nguyễn Tăng Hòa - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển y tế An Sinh phản ánh, thiết kế giao diện của Cổng kê khai giá của Bộ Y tế chưa có đầy đủ các trường thông tin để nhập liệu, nên DN thường kê khai giá tối đa của thiết bị, để sau này đơn vị mua sắm lấy làm tham chiếu khi dự thầu. Nếu kê khai theo giá tiêu chuẩn, thì khi đơn vị mua sắm TTBYT có cấu hình cao, nhận thấy giá cao hơn thì HSDT không được thẩm định.

Một trong những quy định gây nhiều tranh cãi thời gian qua là việc xác định “thời điểm mua bán” tại Khoản 4 Điều 44 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý TTBYT (NĐ 98). NĐ 98 quy định: “Không được mua bán TTBYT khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”, nên có người cho rằng “thời điểm mua bán” là thời điểm lập dự toán mua sắm, kế hoạch LCNT; song có người cho là thời điểm phê duyệt kết quả LCNT; một số khác lại cho là thời điểm ký hợp đồng mua bán, hay là thời điểm xuất hóa đơn bán hàng…

Một chuyên gia về đấu thầu cho biết, việc khảo giá để lập giá kế hoạch cũng gặp nhiều khó khăn như: thông tin đấu thầu không được công bố đầy đủ, không có đủ 3 báo giá như Thông tư số 58/2016/TT-BTC, không có kết quả lựa chọn nhà thầu trong 2 năm dịch Covid-19, giá kế hoạch không sát giá thị trường do khâu tổng hợp mất nhiều thời gian...

Chuyên đề