Tình trạng thiếu các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, thuốc biệt dược, vật tư tiêu hao xảy ra ở nhiều bệnh viện. Ảnh: Nhã Chi |
Bài 1: Thiếu thuốc, vật tư y tế và hệ lụy dây chuyền
Vừa trải qua những biến cố lớn, ngành y tế lại đối diện với tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế. Tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân phải tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế. Đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người bệnh, tới chủ trương, chính sách về an sinh xã hội và có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Thiếu thuốc trầm trọng
Chia sẻ với phóng viên, một bệnh nhân ở Nghệ An cho biết, chị bị u xơ tử cung, đang điều trị tại Bệnh viện E. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi và yêu cầu người nhà bệnh nhân tự mua thuốc xổ Fortrans (được sử dụng để làm sạch ruột trước khi nội soi, phẫu thuật) vì Bệnh viện hết thuốc, đang chờ kết quả đấu thầu. Sau khi đi nhiều nhà thuốc mà vẫn không mua được, người nhà bệnh nhân đành đề nghị bác sĩ đổi thuốc khác cho kịp lịch phẫu thuật. Lo lắng của chị chưa dừng lại ở đó khi biết bệnh nhân giường bên cạnh được bác sĩ cho ra viện, nhưng người nhà không thể mua được một số loại thuốc mà bác sĩ kê đơn do giá quá đắt.
Một bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K cho biết, bác sĩ vừa thông báo là hết loại thuốc đang dùng có xuất xứ EU, nên kê sang đơn thuốc có xuất xứ Bangladesh. Lo ngại về chất lượng, bệnh nhân này quyết định tự mua thuốc bên ngoài, dù đắt tiền hơn. Trao đổi với phóng viên, một nhân viên y tế cho biết, đúng là Bệnh viện đang rất thiếu hóa chất xạ trị và nhiều loại vật tư, hóa chất, sinh phẩm.
Một số cán bộ mua sắm, bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện 108, Bệnh viện 175, Bệnh viện Chợ Rẫy… cũng thừa nhận về tình trạng thiếu thuốc, vật tư hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế. Theo dữ liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, một số địa phương thiếu nhiều vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế là Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Bạc Liêu…
Không chỉ hệ thống y tế công lập, mà các doanh nghiệp, nhà thuốc cũng có tình trạng khan hàng.
Khảo sát các chợ thuốc tại Hà Nội cho thấy, nhiều mặt hàng thuốc khan hiếm, gần như biến mất khỏi thị trường như: Broncho vaxom (thuốc tăng cường miễn dịch của Thụy Sỹ), Adrenoxyl (thuốc cầm máu)… Một số thuốc sản xuất hạn chế như Protevir, Tenofovir (thuốc điều trị cho bệnh nhân viêm gan) khan hàng, hiệu thuốc phải nhập với số lượng nhỏ giọt ở chợ thuốc để bán…
Tại Bệnh viện TP. Thủ Đức (TP.HCM), hiện nay số bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh tăng hơn 100% so với giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Cụ thể, trong tháng 8/2021, bệnh nhân BHYT khám ngoại trú chỉ khoảng 28.048 lượt, thì đến tháng 4/2022 tăng lên 75.459 lượt. Trong khi đó, số thuốc của Gói thầu mua sắm thuốc năm 2020 - 2021 của Bệnh viện đã sử dụng hết từ ngày 29/12/2021.
Một cán bộ phụ trách công tác mua sắm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội cho biết, công tác đấu thầu, mua sắm thuốc của đơn vị gần như ngưng trệ do một số lãnh đạo vướng vòng lao lý. Trong thời gian dài, CDC Hà Nội không nhập thuốc, nên thiếu trầm trọng các thuốc, vắc xin phòng ngừa virus viêm gan A (Hepatitis A), bệnh viêm màng não, viêm phổi do 23 tuýp huyết thanh của phế cầu trùng, thương hàn, phòng bệnh cúm…
Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một cán bộ Khoa Dược cho biết, một số gói thầu không có nhà thầu tham gia dự thầu, trong khi Bộ Y tế chậm có kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá.
Mặc dù lập kế hoạch mua sắm rất sớm, nhưng đến nay Sở Y tế tỉnh Hậu Giang chưa thể tổ chức đấu thầu được các gói thầu mua sắm tập trung vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế vì gặp khó khăn trong việc lập giá kế hoạch (tên mặt hàng không thống nhất; giá kê khai nhà sản xuất/nhà cung ứng không cập nhật đầy đủ thông tin; kết quả thẩm định giá không chính xác…) Do vậy, Sở đã trả lại các gói thầu mua sắm tập trung về cho các cơ sở y tế tự tổ chức mua sắm.
Thế nhưng, khi tự tổ chức mua sắm, các cơ sở y tế cũng lúng túng không kém, nhiều gói thầu không có nhà thầu tham dự. Nhiều trường hợp phải yêu cầu bệnh nhân chờ đợi, hoặc chuyển lên tuyến trên.
Việc xử lý tình huống bằng cách chuyển tuyến đã dẫn tới việc dồn toa, gây áp lực lên bệnh viện tuyến trên, tuyến cuối. Đơn cử, tại Bệnh viện TP. Thủ Đức (TP.HCM), hiện nay số bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh tăng hơn 100% so với giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Cụ thể, trong tháng 8/2021, bệnh nhân BHYT khám ngoại trú chỉ khoảng 28.048 lượt, thì đến tháng 4/2022 tăng lên 75.459 lượt. Trong khi đó, số thuốc của Gói thầu mua sắm thuốc năm 2020 - 2021 của Bệnh viện đã sử dụng hết từ ngày 29/12/2021; việc mua mới gặp nhiều khó khăn do không có nhà thầu tham dự, khan hàng… Tại Bệnh viện Bạch Mai, số lượt khám chữa bệnh tăng gấp 4 lần so với đầu năm 2022. Các bệnh viện như Việt Đức, Chợ Rẫy, Bệnh viện K… cũng gặp tình trạng tương tự.
Hệ lụy khó lường
Là một trụ cột an sinh xã hội quan trọng, một khi hệ thống y tế gặp khó khăn thì hệ quả sẽ rất nghiêm trọng. Trong đó bệnh nhân là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất, vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị khi không được tiếp cận ổn định thuốc, vật tư thiết yếu.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, bác sĩ chuyên khoa 2 Khoa Cấp cứu thuộc Bệnh viện Nội tiết Trung ương bộc bạch, việc thiếu thuốc gây bất tiện trong điều trị, mất thời gian xử lý tình huống; khó nâng cao và bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh. Với trường hợp bệnh nhân tự mua thuốc bên ngoài, Bệnh viện khó kiểm soát được chất lượng thuốc. Một số bệnh nhân chỉ dùng quen và phù hợp với một loại thuốc nhất định, khi thiếu thuốc, bác sĩ phải kê đơn thuốc khác (dù có chức năng điều trị tương tự) thì không phù hợp, bệnh nhân gặp phản ứng phụ…
Nếu tình trạng này càng kéo dài, theo đại diện một hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sẽ phải chuyển hướng đầu tư, sản xuất, kinh doanh sang quốc gia khác vì tốn kém chi phí, mất nhiều thời gian chờ đợi dù họ kỳ vọng rất lớn về cơ hội tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, EVFTA…
Một số chuyên gia còn cảnh báo những cam kết về bảo đảm an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng cũng như nguy cơ giảm sút uy tín của các cơ sở y tế công lập, dẫn đến “chảy máu ngoại tệ” khi nhiều người Việt chọn ra nước ngoài điều trị...
Nhấn mạnh việc thiếu thuốc, vật tư hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành tập trung rà soát các quy định để tháo gỡ nhanh các vướng mắc trong hoạt động mua sắm thuốc, vật tư hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế.