Giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế - Bài 3: Tâm lý ngại mua sắm bao trùm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, không ít cơ sở khám chữa bệnh rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư phục vụ bệnh nhân, nhất là thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, thuốc biệt dược, vật tư tiêu hao. Đây là vấn đề đáng báo động, ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Vậy đâu là nguyên nhân và cần có những giải pháp gì để giải quyết triệt để vấn đề này?
Dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến tình trạng một số gói thầu thuốc, vật tư y tế không có nhà thầu tham dự, thậm chí không thực hiện được hợp đồng. Ảnh: Lê Tiên
Dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến tình trạng một số gói thầu thuốc, vật tư y tế không có nhà thầu tham dự, thậm chí không thực hiện được hợp đồng. Ảnh: Lê Tiên

Bài 3: Tâm lý ngại mua sắm bao trùm

Trở ngại trong việc lập giá kế hoạch đấu thầu mua sắm là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT) thời gian gần đây. Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác như tâm lý lo sợ trách nhiệm, chậm gia hạn giấy/số đăng ký lưu hành thuốc, gián đoạn nguồn cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu…

Sợ trách nhiệm, đùn đẩy…

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu thuốc, VTYT thời gian gần đây chủ yếu do nguyên nhân chủ quan.

Bộ Y tế cũng thừa nhận, nguyên nhân chính là do tâm lý sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị; dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Hệ quả này có phần do tác động từ việc hàng loạt cán bộ nguyên là lãnh đạo ngành y từ Trung ương tới địa phương bị bắt giam, khởi tố trong thời gian gần đây. Trong đó, phải kể đến đại án Công ty CP Công nghệ Việt Á…

Tâm lý sợ trách nhiệm từng xảy ra trong ngành y vào thời điểm xảy ra Vụ án Công ty CP VN Pharma buôn bán thuốc ung thư giả nhãn mác Health 2000 vào năm 2019 - 2021. Theo một số doanh nghiệp (DN), thời điểm đó, gần như mọi cấp phép đăng ký mới hay gia hạn giấy đăng ký lưu hành đều bị “đóng băng” trong một thời gian dài (trước đây mỗi năm Bộ Y tế cấp phép từ 4.000 – 5.000 số đăng ký lưu hành thuốc (ĐKLH), nhưng từ năm 2019 – 2021, mỗi năm chỉ cấp 96 – 99 số ĐKLH. Sau đó, để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 29/2020/TT-BYT sửa đổi Khoản 2 Điều 47 Thông tư số 32/2018/TT-BYT theo hướng cho phép duy trì hiệu lực số ĐKLH thêm 12 tháng đối với thuốc hết hạn từ ngày 1/1/2018 đến ngày 21/12/2021.

Thảo luận tại Quốc hội mới đây, PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội băn khoăn: “Những con sâu đã bị gạt khỏi hệ thống. Nhưng những người ở lại rất hoang mang, loay hoay chưa tìm được đường đi, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai, bởi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) cho biết, qua theo dõi Hệ thống giám định thanh toán BHYT cho thấy, có 7 địa phương hết hợp đồng thuốc, vật tư từ cuối năm 2021, nhưng cho đến nay, vẫn chưa đấu thầu lại. Tại Nghệ An, TP.HCM, TP. Hà Nội…, tình trạng một số mặt hàng chậm trên 3 tháng xảy ra khá phổ biến.

Một số cán bộ phụ trách mua sắm ngành y cấp trung ương và địa phương cũng cho biết, mặc dù Tổ chuyên gia đã trình báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu từ rất sớm, nhưng cho đến nay, không hiểu vì lý do gì, người có thẩm quyền vẫn chưa phê duyệt.

Nếu không có giải pháp kịp thời, nhiều ý kiến cảnh báo, tình trạng thiếu thuốc, vật tư còn kéo dài, ảnh hưởng tới quyền lợi của bệnh nhân tham gia BHYT và tâm lý sợ trách nhiệm có nguy cơ lây lan sang cả những cán bộ vốn xưa nay liêm chính, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Dù thế nào cũng phải đề cao trách nhiệm, các bộ ngành phải chủ động, không né tránh trách nhiệm, không sợ trách nhiệm. Không phải tất cả đều vướng, có những cái không vướng, thì phải làm chứ không được sợ”.

Chậm gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc

Việc chậm trễ công tác mua sắm, đấu thầu trong thời gian gần đây còn do phải phụ thuộc vào tiến độ công bố gia hạn hiệu lực Giấy đăng ký lưu hành (ĐKLH), vì liên quan đến tính hợp lệ của mặt hàng thuốc để xét thầu.

Theo báo cáo của các địa phương, đơn vị gửi Bộ Y tế, có 28/34 Sở Y tế báo cáo thiếu thuốc tại địa phương; 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo thiếu thuốc tại đơn vị; 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương thiếu trang thiết bị y tế, đặc biệt là trang thiết bị y tế chuyên sâu (phục vụ phòng mổ, chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm…).

Do tác động của dịch Covid-19 nên không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn Giấy ĐKLH thuốc, DN có nguy cơ không được tham dự thầu và không được sử dụng để phục vụ công tác khám, chữa bệnh (KCB). Để hỗ trợ DN, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 cho phép các thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực ĐKLH trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 31/12/2022 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2022.

Tính đến ngày 2/6/2022, Cục Quản lý dược đã công bố đợt 1 với khoảng 6.251 thuốc có giấy ĐKLH hết hiệu lực trước ngày 30/6/2022. Dự kiến, đến ngày 15/7/2022 sẽ hoàn thành công bố đợt 2 với khoảng 3.000 thuốc có giấy ĐKLH hết hạn ngày 31/12/2022. Như vậy, với tốc độ trung bình giải quyết được khoảng 1.000 hồ sơ/2 tháng, nếu nỗ lực thì cuối năm 2022 mới giải quyết được khoảng 5.000 - 6.000 hồ sơ. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế, số thuốc được gia hạn giấy ĐKLH 5 năm theo quy định tại Luật Dược trong năm 2022 và 2023 là 13.836 thuốc. Trong đó, năm 2022 là 10.095 thuốc (6.851 thuốc trong nước, 3.244 thuốc nước ngoài), năm 2023 là 3.741 thuốc (2.952 thuốc trong nước, 789 thuốc nước ngoài). Do vậy, nhiều DN lo ngại nguy cơ chậm gia hạn đối với các thuốc hết hạn của tháng 11 - 12/2022 và năm 2023 là hiện hữu, gây “dồn toa”, ảnh hưởng đến kế hoạch tham dự thầu, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu… của các DN.

Khan hàng vì đứt gãy chuỗi cung ứng

Bên cạnh góc độ chủ quan, còn có nguyên nhân khách quan là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây khan hiếm hàng hóa, dẫn đến tình trạng không có nhà thầu tham dự, thậm chí không thể thực hiện được hợp đồng đã ký như phản ánh của PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai với Báo Đấu thầu.

Theo chia sẻ của ông Ngô Trí Diễm – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Nghệ An, Bệnh viện phải chấm dứt Hợp đồng nguyên tắc cung ứng thuốc số 02-HĐNT/1529 CL-BVUBNA thực hiện Gói thầu thuốc generic (lần 1) năm 2021 – 2022 thuộc Dự toán Mua sắm Cung ứng bổ sung các mặt hàng thuốc năm 2021 – 2022 có trị giá 12,864 tỷ đồng với Công ty CP Dược phẩm Cửu Long, vì Nhà thầu không thể nhập khẩu được mặt hàng này do Covid-19.

Một trong những loại vật tư khan hiếm thời gian qua có thể kể đến là dịch truyền chống sốc sốt xuất huyết, HES 200.000 daltol đã ngừng sản xuất trên thế giới, còn Dextran 40 do Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC1 (DN duy nhất được cấp phép nhập khẩu) gặp khó khăn trong việc nhập khẩu, trong khi số ca mắc sốt xuất huyết vẫn đang tăng mạnh, nhu cầu điều trị cấp bách, việc thay dung dịch cao phân tử khác không tối ưu.

Mặt khác, việc khan hàng còn do một số nước thay đổi chính sách, gây khó khăn cho việc nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc và VTYT dẫn đến DN trong nước không sản xuất được. Chẳng hạn như từ tháng 5/2021, Trung Quốc không cấp mới và gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP)…, do đó nhiều cơ sở cung cấp dược liệu vào Việt Nam không đủ điều kiện nhập khẩu dược liệu theo quy định để có thể dự thầu khiến bên mời thầu đấu thầu nhiều lần vẫn không chọn được nhà thầu.

Chuyên đề