Tăng tốc đàm phán giá biệt dược gốc để kịp cung ứng thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa cập nhật, tính đến nay đã có 15 thuốc biệt dược gốc (BDG) của 7 gói thầu thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá (ĐPG) năm 2021 đạt được thỏa thuận với các nhà thầu trên tổng số 62 thuốc BDG thuộc Dự toán Cung cấp thuốc BDG áp dụng hình thức ĐPG năm 2021.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức ĐPG năm 2021 do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (bên mời thầu) thực hiện gồm có 7 gói thầu với tổng dự toán là 15.192,4 tỷ đồng. Hồ sơ yêu cầu bắt đầu được phát hành từ tháng 9/2021 (từ 14/9 - 4/10/2021) với yêu cầu thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng, kể từ ngày thỏa thuận khung có hiệu lực.

Trong đó, Gói thầu 1 Cung cấp các thuốc BDG điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch (mã hiệu ĐPG.BDG.01.2021) có giá 7.630,7 tỷ đồng; Gói thầu 2 Cung cấp các thuốc BDG nhóm chống nhiễm khuẩn (mã hiệu ĐPG.BDG.02.2021) có giá 2.248,3 tỷ đồng; Gói thầu 3 Cung cấp các thuốc BDG nhóm tim mạch (mã hiệu ĐPG.BDG.03.2021) có giá 1.087,7 tỷ đồng; Gói thầu 4 Cung cấp các thuốc BDG chứa Insulin và điều trị tiểu đường (mã hiệu ĐPG.BDG.04.2021) có giá 1.780,7 tỷ đồng; Gói thầu 5 Cung cấp các thuốc BDG tác dụng trên đường hô hấp (mã hiệu ĐPG.BDG.05.2021) có giá 752,582 tỷ đồng; Gói thầu 6 Cung cấp các thuốc BDG tác dụng đối với máu (mã hiệu ĐPG.BDG.06.2021) có giá 618,087 tỷ đồng; Gói thầu 7 Cung cấp các thuốc BDG nhóm chống nhiễm khuẩn (mã hiệu ĐPG.BDG.07.2021) có giá 1.074,2 tỷ đồng.

Cho đến nay, Bên mời thầu đã gia hạn 2 lần các gói thầu ĐPG với tổng thời gian gia hạn 150 ngày (trước ngày 31/8/2022) so với thời hạn dự kiến ban đầu (trước ngày 1/4/2022).

Theo tìm hiểu, sau khi ĐPG thành công, Bên mời thầu đang gấp rút tiến hành các thủ tục thẩm định, phê duyệt quyết định trúng thầu, ký kết thỏa thuận khung với từng nhà thầu, từ đó các cơ sở y tế sẽ ký hợp đồng trực tiếp với nhà thầu trúng thầu.

Cũng trong năm 2021, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia còn tổ chức ĐPG 2 gói thầu khác. Trong đó, Gói thầu Cung cấp thuốc điều trị HIV/AIDS cho các cơ sở điều trị trên toàn quốc với tổng dự toán là 585,949 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện sử dụng ngân sách nhà nước, nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác. Thời gian phát hành hồ sơ yêu cầu là từ 14 - 24/12/2021. Thời gian thực hiện hợp đồng là là 24 tháng, kể từ ngày thỏa thuận khung có hiệu lực. Tương tự như 7 gói thầu trên, đến nay, gói thầu này chưa có kết quả phê duyệt.

Gói thầu còn lại được tổ chức ĐPG trong năm 2021 là Gói thầu Cung cấp thuốc Avonza (Tenofovir disoprosil fumarat 300mg; Lamivudin 300mg; Efavirenz 400mg) và Acriptega (Tenofovir disoprosil fumarat 300mg; Lamivudin 300mg; Dolutegravir 50mg) thuộc Danh mục ĐPG nguồn bảo hiểm y tế cho các cơ sở điều trị trên toàn quốc năm 2021 với tổng dự toán là 108,629 tỷ đồng. Kết quả ĐPG được phê duyệt vào đầu tháng 6/2021. Theo đó, Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC1 trúng thầu với giá 104,24 tỷ đồng (giá gói thầu là 108,629 tỷ đồng).

Theo lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, tiến độ ĐPG 62 thuốc biệt dược gốc (dự kiến ban đầu là 71/701 thuốc BDG nằm trong Danh mục tại Thông tư số 15/2020/TT-BYT) bị chậm trễ là do gặp nhiều khó khăn như thiếu nhân sự trong khi khối lượng công việc khá lớn, thiếu thông tin tham khảo, nhiều mặt hàng còn vướng mắc trong khâu chờ đợi gia hạn số đăng ký lưu hành…

Theo ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ĐPG là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả 2 bên - Nhà nước và doanh nghiệp. Để đẩy nhanh tiến độ ĐPG, cần xây dựng các cơ chế linh động trong ĐPG. Chẳng hạn như, nếu nhà thầu đồng ý giảm mức 10% thay vì 5%, thì sẽ được kéo dài thời gian cung ứng thuốc là 3 năm, thay vì 2 năm…

Một số chuyên gia cho rằng, đối với các thuốc BDG đã hết thời hạn bảo hộ, có thể xem xét chuyển từ đàm phán giá sang hình thức đấu thầu để đảm bảo cung ứng kịp thời cho bệnh nhân trong thời gian chờ đợi kết quả ĐPG.

Trước đó, năm 2018 và năm 2020, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã tổ chức ĐPG thành công đối với 4 thuốc BDG, gồm: Cerebrolysin, Tienam (Imipenam + Cilastatin 500mg + 500mg), Mabthera (Rituximab 500mg), Nexavar (Sorafenib Tosylate 200mg) hoặc tương đương điều trị.

Cụ thể, năm 2020, Bộ Y tế phê duyệt KHLCNT cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức ĐPG năm 2020 với tổng dự toán là 1.775,255 tỷ đồng, chia làm 4 gói thầu. Thời gian phát hành hồ sơ yêu cầu là từ 12 - 25/11/2020.

Theo đó, Công ty CP Dược phẩm thiết bị y tế Hà Nội trúng Gói thầu số 1 Cung cấp thuốc BDG Cerebrolysin hoặc tương đương điều trị trị thuộc Danh mục ĐPG cho các cơ sở y tế trên toàn quốc năm 2021 - 2022 với giá 242,768 tỷ đồng (giá gói thầu là 257,392 tỷ đồng).

Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 trúng 3 gói thầu, gồm: Gói thầu số 2 Cung cấp thuốc BDG Tienam (Imipenam + Cilastatin 500mg + 500mg) hoặc tương đương điều trị thuộc Danh mục ĐPG cho các cơ sở y tế trên toàn quốc năm 2021-2022 với giá 670,5 tỷ đồng (giá gói thầu là 807,832 tỷ đồng); Gói thầu số 3 Cung cấp thuốc BDG Mabthera (Rituximab 500mg) hoặc tương đương điều trị với giá 378,728 tỷ đồng (giá gói thầu là 491,855 tỷ đồng); Gói thầu số 4 Cung cấp thuốc BDG Nexavar (Sorafenib Tosylate 200mg) hoặc tương đương điều trị với giá 200,72 tỷ đồng (giá gói thầu là 218,174 tỷ đồng).

Năm 2018, Bộ Y tế phê duyệt KHLCNT cung cấp thuốc thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức ĐPG cho các cơ sở y tế trên toàn quốc năm 2018 có 4 gói thầu với tổng dự toán là 2.595,05 tỷ đồng. Trong đó, Liên danh Công ty TNHH Đại Bắc miền Nam - Công ty TNHH Đại Bắc trúng Gói thầu số 1 Cung cấp thuốc BDG Cerebrolysin với giá 403,828 tỷ đồng (giá gói thầu là 403,953 tỷ đồng); Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 trúng Gói thầu số 2 Cung cấp thuốc BDG Tienam (Imipenem+Cilastatin 500mg+500mg) với giá 1.053,4 tỷ đồng (giá gói thầu là 1.112,5 tỷ đồng) và Gói thầu số 4 Cung cấp thuốc BDG Nexavar (Sorafenib tosylate 200mg) với giá 389,234 tỷ đồng (giá gói thầu là 448,327 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương trúng Gói thầu số 3 Cung cấp thuốc BDG Mabthera (Rituximab 500mg) với giá 575,376 tỷ đồng (giá gói thầu là 630,249 tỷ đồng).

Chuyên đề