Khi nào chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nghiêm trọng xảy ra ở nhiều cơ sở y tế từ quý I - II/2022, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều cải thiện. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là do Bộ Y tế và các bộ, ngành chưa vào cuộc quyết liệt, chậm triển khai các giải pháp khắc phục.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nghiêm trọng xảy ra ở nhiều cơ sở y tế từ quý I - II/2022, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều cải thiện. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nghiêm trọng xảy ra ở nhiều cơ sở y tế từ quý I - II/2022, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều cải thiện. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Từ quý I - II/2022, một số cơ sở y tế bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ. Nhiều địa phương có tình trạng thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế. Tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, Bộ Y tế cho biết, có 28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương thiếu thuốc; 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương thiếu trang thiết bị y tế, đặc biệt là trang thiết bị y tế chuyên sâu (phục vụ phòng mổ, chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm…).

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai là do số lượng bệnh nhân có nhu cầu khám chữa bệnh sau 2 năm Covid-19 tăng đột biến; đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn hàng, nguyên liệu sản xuất; biến động giá cả tăng cao khiến nhà thầu ngại tham dự thầu vì không có lợi nhuận…

Bênh cạnh đó, tại các cơ sở y tế, nhiều máy chụp chiếu, siêu âm, cộng hưởng từ…, thiết bị y tế hiện đại và kỹ thuật cao… theo hình thức xã hội hóa, liên doanh liên kết, máy đặt - máy mượn đang phải “đắp chiếu” vì vẫn đang vướng mắc thủ tục pháp lý.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế, đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc chậm trễ cũng là một phần nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc. Mặc dù các cơ sở y tế đã được hướng dẫn để có thể chủ động việc mua sắm trong khi chờ đợi kết quả, nhưng nhiều đơn vị vẫn cứng nhắc, chậm trễ tổ chức mua sắm.

Khẳng định đây là vấn đề nghiêm trọng, nên không ít lần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương đánh giá tình hình, tìm kiếm và đề xuất các giải pháp đồng bộ, tổng thể để khắc phục kịp thời, hiệu quả những khó khăn trước mắt cũng như những vấn đề căn cơ, lâu dài trong mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Theo kết luận mới đây của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời hạn Bộ Y tế phải hoàn chỉnh hồ sơ Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ nhanh các vướng mắc, vấn đề cấp bách, bức xúc nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trình Chính phủ là trước ngày 15/8/2022. Đồng thời, yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tích cực phối hợp với Bộ Y tế để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, trong câu chuyện thiếu - thừa thuốc, trang thiết bị y tế, cần xác định được rõ ràng là thiếu cái gì, thiếu ở mức độ nào, từ đó mới có thể đề ra các giải pháp cụ thể. Do đó, Bộ Y tế vừa có quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở khám chưa bệnh công lập trên toàn quốc với thời hạn báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ Y tế là trước ngày 20/8/2022.

Tuy nhiên, theo ông Cơ, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đã xảy ra hàng tháng trời nhưng đến giờ Bộ Y tế mới thành lập đoàn kiểm tra là quá chậm. Thay vì thành lập đoàn kiểm tra, Bộ Y tế nên thành lập các đoàn khảo sát, đánh giá xem các cơ sở y tế đang gặp khó khăn, vướng mắc gì để hỗ trợ tháo gỡ, khắc phục kịp thời. Ông Cơ cho rằng, điều hết sức quan trọng hiện nay là sửa nhanh các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Một khi có hành lang pháp lý rõ ràng và dễ làm, tính pháp lý cao, tạo điều kiện cho việc mua sắm, các cơ sở y tế sẽ tự tin làm những bài thầu công khai, minh bạch.

Đồng thuận với quan điểm này, PGS. TS. Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, Chính phủ cần rà soát cơ chế, chính sách có vấn đề gì vướng thì tập trung sửa ngay. Giống như chiến dịch phòng chống Covid-19, phải chụm đầu lại, làm thêm giờ, ai không làm được thì thay, chắc chắn ngành y tế không thiếu người tài. Xây dựng văn bản pháp luật phải có tính cập nhật, dự báo để tạo thuận lợi cho hoạt động mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Chuyên đề