Xốc lại tinh thần cải cách môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, vì thế nguồn lực doanh nghiệp (DN) chưa được khơi thông hiệu quả. Gánh nặng chính sách với những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết, thậm chí gần đây mức độ rủi ro tiềm ẩn lớn hơn, đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ, thực chất hơn để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN.
Chính phủ sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn về thể chế pháp lý và thực thi, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn về thể chế pháp lý và thực thi, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Chững lại đà cải cách

Năm 2023, trước những khó khăn của DN trong bối cảnh áp lực suy giảm kinh tế toàn cầu và những bất cập nội tại trong nước, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn cho DN và nền kinh tế, qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư và tăng trưởng. Ở mức độ nhất định, DN và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ. Một số chính sách tài khóa, tiền tệ đã hỗ trợ DN phục hồi, phát triển, nhiều quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các lĩnh vực y tế, đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch… đã phát huy tác dụng.

Chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên các bảng xếp hạng quốc tế được cải thiện. 3 năm qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có cải thiện tích cực nhất về hiệu quả thị trường trong ASEAN. Năm 2019, Việt Nam còn đứng cuối trong khu vực thì năm 2023 đã vươn lên đứng thứ 5, vượt qua Thái Lan, Philippines, Campuchia.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), bên cạnh kết quả đạt được, thời gian gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm rào cản, khiến DN đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

Những bất cập gần đây trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm… là hệ quả của những quy định về điều kiện kinh doanh thiếu hợp lý, mang nặng tính xin - cho, tiền kiểm thay vì hậu kiểm đang tạo gánh nặng cho DN.

Trên thực tế, năm 2023, hàng loạt DN thuộc nhiều ngành nghề đã phải khẩn thiết kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ do những vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan tới phòng cháy chữa cháy, thủ tục kiểm tra hàng hóa thông quan…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không ít lần chia sẻ, DN Việt Nam đối diện với những thách thức to lớn, thậm chí còn hơn cả giai đoạn chịu tác động của dịch Covid-19. Trong đó, nổi cộm là khó khăn do chất lượng các quy định pháp luật. Khảo sát DN hàng năm cho thấy, tính ổn định và có thể dự đoán được của pháp luật Việt Nam tương đối thấp. Đặc biệt, thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành thông tư, ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Có quy chuẩn kỹ thuật tương đối thấp, nhưng có những quy chuẩn của Việt Nam có yêu cầu cao hơn cả quy chuẩn của những nước phát triển, chi phí tuân thủ rất cao, vượt quá khả năng của nhiều DN.

Tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Chúng ta đã đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh và các loại kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ, thông qua các văn bản của các bộ, ngành, địa phương đã phát sinh ra hàng nghìn thủ tục mới”.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó do những vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan tới phòng cháy chữa cháy, thủ tục kiểm tra hàng hóa thông quan… Ảnh: Lê Tiên

Nhiều doanh nghiệp gặp khó do những vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan tới phòng cháy chữa cháy, thủ tục kiểm tra hàng hóa thông quan… Ảnh: Lê Tiên

Nỗ lực thực chất hơn

Ở thời điểm này, cải cách môi trường kinh doanh đang đối mặt với nhiều lực cản vì chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Những bất cập này không chỉ đang đè nặng DN mà cả cơ quan quản lý nhà nước, đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn, hành động thực chất hơn…

Báo cáo Chính phủ, Bộ KH&ĐT kiến nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục coi trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; nỗ lực thực chất để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn về thể chế pháp lý và thực thi cho DN... Các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và DN cần thực chất; giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho DN chứ không chỉ để lắng nghe.

Các bộ, ngành cần bảo đảm tính ổn định của chính sách, không đề xuất hay ban hành mới các quy định tạo thêm gánh nặng chi phí cho người dân, DN. Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Chủ động nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý; kiến nghị đưa ra khởi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn…

Năm nay, theo Bộ KH&ĐT, Nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh sẽ được ban hành trở lại, sau khi năm 2023 lồng ghép nhiệm vụ này vào Nghị quyết 01/NQ-CP.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vô cùng khó khăn. Hàng loạt cuộc làm việc với đại diện các hiệp hội ngành hàng, DN đã được Bộ KH&ĐT tổ chức nhằm ghi nhận các vấn đề vướng mắc và kiến nghị. Các cuộc làm việc cho thấy có sự chậm lại đáng kể, thậm chí là trì trệ, sao nhãng trong thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, Thủ tướng đã quyết định khôi phục lại nghị quyết hàng năm về cải thiện môi trường kinh doanh, với các nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên nhằm tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi.

Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 đã được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ, và được đưa ra cho ý kiến tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 5/1/2024.

Theo Bộ KH&ĐT, Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 là sự tiếp nối của các Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP trước đây. Đồng thời, Dự thảo Nghị quyết cũng lựa chọn các nhóm vấn đề trọng tâm cải cách trong năm 2024, trong đó bao gồm cả các giải pháp khắc phục những hạn chế, những nút thắt chưa được giải quyết. Việc cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp trọng tâm thực hiện trong năm 2024 bảo đảm phù hợp với bối cảnh mới, cập nhật thực tiễn, linh hoạt trong thực hiện cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, khắc phục những bất cập đang tạo rào cản đối với DN và người dân, góp phần hỗ trợ DN phục hồi và phát triển. Nghị quyết cũng xác định rõ mục tiêu cụ thể trong nâng hạng các chỉ số quốc tế về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Dự thảo Nghị quyết, 7 nhóm vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách trong năm 2024 gồm:

- Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư;

- Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh;

- Đẩy mạnh cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia;

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính;

- Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN;

- Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững;

- Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

Chuyên đề