Cải cách môi trường kinh doanh: Làm thực chất để thúc đẩy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện KH phát triển KT-XH 2021-2025 với thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, cũng đồng thời là năm cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng như nền kinh tế cần ghi dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ để đưa các KH trung hạn về đích. Để tăng trợ lực cho DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao XD một nghị quyết riêng về những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nhằm tạo áp lực cải cách thực chất, thúc đẩy tăng trưởng.
Thúc đẩy cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành là một trong những trọng tâm cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian tới Ảnh: Lê Tiên
Thúc đẩy cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành là một trong những trọng tâm cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian tới Ảnh: Lê Tiên

Nhận diện điểm nghẽn

Hiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 và các năm tiếp theo đang được đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu MTKD và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - một trong những đơn vị chắp bút xây dựng dự thảo Nghị quyết nhìn nhận, việc Chính phủ dự kiến ban hành một nghị quyết riêng về nội dung này trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, bởi cải cách MTKD đang có xu hướng chững lại.

Bà Thảo chia sẻ, sau nhiều năm được ban hành độc lập, năm 2023 lần đầu tiên Nghị quyết về cải cách môi trường kinh doanh (hay còn gọi là Nghị quyết 02) đã được lồng ghép vào thành một nội dung thuộc Nghị quyết số 01/2023/NQ-CP. Theo đó, những nội dung về cải cách thể chế, cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trở nên mờ nhạt hơn, không tạo nên áp lực thay đổi cũng như không có sự theo dõi giám sát sâu như việc có một nghị quyết riêng như trước.

Bà Thảo cho biết, những tháng đầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình cải cách, cải thiện MTKD. Theo đó, các hoạt động về cải cách, cải thiện MTKD nhằm tăng trợ lực cho DN ở nước ta thời gian qua dường như không có sự chuyển biến. Vì thế, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng một nghị quyết riêng của Chính phủ về MTKD như thông lệ thường niên. “Chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được nhắc lại ở các nghị quyết phiên họp Chính phủ các tháng tiếp theo”, bà Thảo chia sẻ.

Theo quan điểm của chuyên gia CIEM, Nghị quyết được ban hành sẽ tạo ra những áp lực cải cách, cải thiện MTKD nhằm hỗ trợ DN và người dân một cách thực chất hơn, giúp củng cố niềm tin, sự an tâm và tạo thêm động lực để các chủ thể vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển.

Quan sát cũng như phản ánh của cộng đồng DN và người dân cho thấy, sau giai đoạn rất vất vả của đại dịch Covid-19, từ nửa cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những biến động khó lường trên thị trường thế giới, còn có nguyên nhân nội tại trong nước thể hiện qua những bất cập, rào cản về chất lượng thể chế và MTKD.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt các doanh nghiệp, doanh nhân nhân ngày Ngày doanh nhân Việt Nam năm 2023 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trăn trở, Chính phủ liên tiếp có những chỉ đạo để tháo gỡ các rào cản, khó khăn về pháp lý, nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN phục hồi, nhưng cộng đồng DN vẫn tiếp tục phản ánh về những khó khăn, bất cập mới nảy sinh, làm gia tăng gánh nặng chi phí cho DN. Trong số đó, nhiều vấn đề bức xúc, tồn tại lâu nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nhiều vấn đề cũ, “gai góc”, “điểm nghẽn” cũ của môi trường kinh doanh đến nay vẫn chưa tháo gỡ hết. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều vấn đề cũ, “gai góc”, “điểm nghẽn” cũ của môi trường kinh doanh đến nay vẫn chưa tháo gỡ hết. Ảnh: Nhã Chi

Tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể, gai góc

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Theo các chuyên gia, đây là năm quan trọng, năm góp sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của cả giai đoạn trung hạn. Việc cải thiện mạnh mẽ MTKD, tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi cho cộng đồng DN sẽ giúp DN củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu, tạo động lực tăng trưởng mới.

Theo đó, điểm nhấn trọng tâm của Dự thảo Nghị quyết về MTKD năm 2024 là tiếp tục đi vào giải quyết những vấn đề cũ, những “gai góc”, “điểm nghẽn” cũ của MTKD thời gian qua. Cùng với đó là nhận diện những vấn đề mới nổi lên trong thời gian gần đây để tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Trước hết, Dự thảo Nghị quyết đề xuất tập trung tháo gỡ bất cập pháp lý trong thủ tục đầu tư và thực hiện dự án đầu tư do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt giữa các quy định pháp luật. “Đây là vấn đề đầu tiên và cũng là vấn đề cốt lõi cộng với tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm” của cơ quan quản lý và đội ngũ công chức đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN thời gian qua”, bà Thảo nói.

Để hỗ trợ DN, các bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi thẩm quyền, cần chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tập hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng (nếu có) để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi kiến nghị tới các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ….

Thứ hai, Dự thảo Nghị quyết tập trung vào việc nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Hiện ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh về hình thức tuy có giảm số lượng, nhưng nội hàm mở rộng, bao trùm và phức tạp. Trên cơ sở đó, thời gian tới sẽ phải thu hẹp phạm vi của một số ngành nghề; đưa ngành nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn…

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết cũng tập trung vào thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN; hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững…

Dự thảo Nghị quyết dự kiến phân công trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương cũng như các hội doanh nghiệp, ngành hàng cũng như các cơ quan truyền thông triển khai thực hiện. Nhiều ý kiến hy vọng, với những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt như vậy, cải cách thể chế và cải thiện MTKD thời gian tới sẽ đi vào thực chất, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 cũng thời gian tới.

Chuyên đề