Cải cách môi trường kinh doanh: Mệnh lệnh từ thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 đã thu gọn, chỉ còn 227 ngành nghề, với chất lượng điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong một số lĩnh vực được cải thiện. Tuy nhiên, phản ánh từ thực tiễn hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội cho thấy, hiện tượng ĐKKD núp bóng dưới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đang “trỗi dậy”, ngáng đường phát triển của cộng đồng DN Việt Nam.
6 tháng đầu năm 2023, có 113.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ảnh: Tiên Giang
6 tháng đầu năm 2023, có 113.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ảnh: Tiên Giang

Bài 2: Khơi thông “Động lực thứ 5” cho tăng trưởng

Để môi trường kinh doanh thực sự bền vững, là bệ đỡ cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn do phải đối mặt với những “cơn gió ngược”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho biết, Bộ sẽ đề xuất các giải pháp với Chính phủ, trong đó có việc tiếp tục ban hành Nghị quyết 02 về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để tăng trợ lực cho cộng đồng DN.

Cải cách cần đi vào thực chất

Trong quý I năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN thành lập mới. Kết thúc 6 tháng đầu năm, có 113.600 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2,9%. Tuy nhiên, vẫn có 100.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Những con số này cho thấy nhiều DN đang đuối sức, không chống chịu được trước bối cảnh cầu thị trường trong nước và thế giới sụt giảm mạnh kéo dài. Phía sau mỗi DN đóng cửa, ngừng hoạt động là hàng loạt người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Trong khi cộng đồng DN và người dân phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, yêu cầu tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch cho DN trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần đi vào thực chất bằng những kế hoạch thực hiện cụ thể với các giải pháp, nhiệm vụ rõ ràng, được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nếu không có những cải cách mạnh mẽ, thực chất thì DN sẽ tiếp tục chìm trong khó khăn. “Nếu không cải cách hoặc cải cách không đủ mạnh, không đủ lớn và không đủ áp lực chúng ta sẽ làm giảm bớt niềm tin của DN, làm tổn thương hơn khu vực DN. Trong bối cảnh đó, việc khôi phục chương trình cải cách là rất cần thiết”, bà Thảo nói.

Giải pháp phải đúng, trúng và kịp thời

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đi vào thực chất, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, cần sự vào cuộc của tất cả bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) cũng như rà soát lại các ĐKKD, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Ông Trần Duy Đông cho biết, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu và báo cáo Chính phủ ban hành nghị quyết riêng như trước đây (Nghị quyết 02) về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó quy định rất rõ chỉ tiêu mà cần phấn đấu; giao nhiệm vụ cụ thể các bộ, ngành, địa phương… để triển khai thực hiện.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết, nghị quyết tới đây dự kiến tiếp cận theo hướng thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở bám sát các chỉ số đánh giá theo thông lệ quốc tế, song có nhiều điểm mới so với các Nghị quyết 02 ban hành trước đó nhằm giải quyết các vấn đề thời sự đang gây khó cho hoạt động DN.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện môi trường kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, những giải pháp đúng, trúng và kịp thời vô cùng quan trọng. Ngày 13/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 644/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, DN. “Việc ban hành công điện thể hiện tính quyết liệt của Thủ tướng trong việc vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân”, ông Hiếu đánh giá.

Theo ông Hiếu, tính kịp thời của công điện thể hiện ở điểm đã nêu đúng, trúng các vấn đề vướng mắc của DN và chỉ rõ chủ thể chịu trách nhiệm tháo gỡ. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những TTHC đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Đồng thời, xử lý triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, DN về cơ chế, chính sách, TTHC...

Ông Hiếu cũng như nhiều chuyên gia, DN mong mỏi những chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực thi nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần gỡ khó cho DN. Hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phải là hoạt động thường xuyên, liên tục…

Năm 2023 là năm bản lề trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, nhưng tăng trưởng đang ở mức thấp. Bên cạnh 4 động lực tăng trưởng đang được thúc đẩy gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân, xuất khẩu, tiêu dùng thì cải cách môi trường kinh doanh cần được coi là động lực thứ 5, trực tiếp giúp DN vượt khó và đóng góp cho tăng trưởng của đất nước.

Hiến kế cải thiện môi trường kinh doanh

Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM:

Để giúp cho DN vượt qua khó khăn, tăng tốc hoàn thành kế hoạch năm 2023 như mục tiêu đặt ra thì điều kiện tiên quyết là cần khơi thông dòng vốn cho DN. Vì thế, tôi đề nghị ngay trong thời gian này tiếp tục giảm lãi suất. Lãi suất giảm kết hợp với chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời tăng sức mua nội địa.

Ngoài ra, phải giải tỏa ngay những bất cập về chính sách. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu những bất cập trong công tác hoàn thuế, phòng cháy, chữa cháy… không được tháo gỡ kịp thời thì sức khỏe của DN sẽ ngày càng suy yếu.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM:

Việc đầu tiên cần làm là phải cải cách các chính sách theo hướng hướng thuận lợi hơn cho DN chứ không phải là khi sửa đổi, xây dựng chính sách lại gây khó hơn cho DN. Cải thiện môi trường kinh doanh cần có sự tham gia của rất nhiều bên, trong đó cần có sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục và tạo áp lực từ Chính phủ. Các bộ, ngành tham gia soạn thảo chính sách pháp luật, nhất là người đứng đầu đơn vị phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, từ đó khuyến khích, thúc đẩy DN sản xuất, kinh doanh…

Bên cạnh đó, cộng đồng DN cần chia sẻ, đóng góp nhiều hơn trong việc xây dựng chính sách pháp luật... Các cơ quan giám sát độc lập cần tích cực tham đóng góp xây dựng các văn bản pháp luật cũng như vai trò của đơn vị truyền thông.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep):

Chúng tôi mong muốn các cơ quan ban hành chính sách hãy lắng nghe DN nhiều hơn, vì chúng tôi chia sẻ vấn đề thực tiễn dưới góc nhìn phát triển. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý xem xét các ĐKKD và TTHC tiệm cận với thông lệ tốt để có được môi trường kinh doanh tốt hơn.

Nhiều DN cho biết có nhiều quy định hay TTHC bị phát hiện có bất cập khi DN mạnh dạn phản ánh đến cấp cao nhất (Quốc hội/Chính phủ). Điều này thể hiện quá trình tham vấn chính sách chưa tốt và việc lắng nghe DN đã bị mai một, ít đi so với thời điểm mấy năm vừa qua.

Bài 1: “Rào cản” kinh doanh vẫn ngáng đường doanh nghiệp

Chuyên đề

Kết nối đầu tư