TKV đã hoàn thành việc tăng tỷ lệ sở hữu lên 65% đối với 5/6 công ty cổ phần sản xuất than. Ảnh: Nhã Chi |
Chưa hoàn thành kế hoạch trong năm 2019
Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2017, trong đó phải CPH Công ty mẹ - TKV trong năm 2019; thoái vốn tại 26 doanh nghiệp (DN); sắp xếp lại các công ty cổ phần sản xuất than (tăng tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ lên 65% tại 6 đơn vị sản xuất than để hợp nhất thành 3 đơn vị nhằm giảm đầu mối); sắp xếp lại chi nhánh, văn phòng đại diện thuộc Công ty mẹ; giải quyết phá sản đối với Công ty CP Đóng tàu Sông Ninh…
Về tiến độ thực hiện CPH Công ty mẹ - TKV, đến nay TKV đã hoàn thành đề xuất thời điểm xác định giá trị DN với cơ quan đại diện chủ sở hữu; triển khai các công việc có liên quan đến xử lý tồn tại về tài chính, lập phương án sắp xếp nhà đất, phương án sử dụng nhà đất.
Đối với việc cổ phần hóa các đơn vị thành viên, Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải đã được TKV phê duyệt các bước cổ phần hóa và trình Hội đồng thành viên TKV xem xét phê duyệt phương án CPH từ quý II/2019. Tuy nhiên, do liên quan đến việc sắp xếp các cơ sở nhà, đất nên việc thực hiện CPH đang tiếp tục triển khai.
Viện Cơ khí năng lượng và mỏ do chưa được địa phương phê duyệt phương án sử dụng đất nên TKV chưa ban hành quyết định CPH đối với đơn vị này. Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng và Công ty Nhôm Đắk Nông sẽ được CPH sau khi TKV hoàn tất việc xem xét, đánh giá hiệu quả của 2 dự án (2 nhà máy Alumin tại Lâm Đồng và Đắk Nông) mà 2 DN này được giao vận hành.
Về công tác thoái vốn tại 26 DN, TKV cho biết, chưa thực hiện xong do đang có vướng mắc về xác định giá trị yếu tố văn hóa, lịch sử. TKV đã hoàn thành việc tăng tỷ lệ sở hữu lên 65% đối với 5/6 công ty cổ phần sản xuất than; dự kiến hoàn thành hợp nhất Công ty CP Than Cao Sơn và Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài đầu năm 2020. TKV cũng đã hoàn thành việc phá sản DN đối với Công ty CP Đóng tàu Sông Ninh từ tháng 4/2019.
Khó trong sắp xếp hơn 400 cơ sở nhà, đất
Liên quan đến xử lý tài chính, TKV hiện chưa thu hồi được một số khoản công nợ phải thu khó đòi do các đơn vị (đối tác) chưa thực hiện phá sản, chưa có phán quyết của tòa án nên chưa có cơ sở để xử lý. TKV cũng đã tiến hành đấu giá công khai để thoái vốn tại một số đơn vị nhưng chưa bán hết được cổ phần và chuyển sang thủ tục chào bán cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa ban hành Quy chế mẫu về chào bán cạnh tranh, do đó chưa thể thực hiện được…
Với những khó khăn, vướng mắc như vậy, TKV đề nghị các cấp có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, trước mắt điều chỉnh tiến độ CPH TKV (Công ty mẹ) sang cuối năm 2020, trường hợp tiếp tục có vướng mắc do chưa hoàn thành phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và phương án xử lý tài chính thì tiếp tục điều chỉnh tiến độ CPH sang năm 2021.
Ngoài ra, TKV đề xuất cho phép dừng CPH Viện Cơ khí năng lượng và mỏ, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng và Công ty Nhôm Đắk Nông để tập trung vào CPH Công ty mẹ - TKV.
Báo cáo Chính phủ về việc điều chỉnh Đề án, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cho biết, Bộ Tài chính đang sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về việc sắp xếp lại và xử lý tài sản công, nên đối tượng cơ sở nhà, đất thuộc diện phải rà soát lại của TKV có thể lên tới khoảng 1.000 cơ sở nhà, đất. Do đó, để hoàn thành được kế hoạch CPH TKV trong năm 2020 dự báo có nhiều khó khăn, khó đạt được tiến độ theo yêu cầu, đặc biệt là phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất đòi hỏi mất nhiều thời gian. Ủy ban trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh việc lùi tiến độ CPH Công ty mẹ TKV theo đề xuất của DN.