Triển vọng sáng với sản xuất công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động sản xuất công nghiệp nước ta trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà phục hồi, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là đầu kéo tăng trưởng toàn ngành. Dự báo về triển vọng những tháng cuối năm cũng như thời gian tới cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là làn sóng đầu tư mới vào những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Trong tháng 8 vừa qua, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiến Tân
Trong tháng 8 vừa qua, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiến Tân

Tốc độ phục hồi nhanh

Theo Tổng cục Thống kê, bất chấp những khó khăn, thách thức bất lợi, ngành công nghiệp nước ta vẫn tiếp đà phục hồi nhanh. Trong tháng 8, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,2%.

Tính chung 8 tháng đầu năm, IIP ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương (trừ Trà Vinh; Hà Tĩnh).

Dữ liệu về tình hình phát triển sản xuất công nghiệp của một số địa phương trong thời gian này cũng cho thấy rõ những chuyển biến tích cực. Đơn cử, Báo cáo tình hình sản xuất kinh tế - xã hội TP. Hà Nội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 nêu rõ, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. IIP tháng 8 ước tính tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, 8 tháng năm 2022, IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (8 tháng năm 2021 tăng 6,3%). Một số ngành có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 18,2%...

Với TP. Đà Nẵng, sản xuất công nghiệp tiếp nối kết quả nổi bật khi IIP tháng 8 ước tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, chỉ số hàng tồn kho của ngành chế biến, chế tạo giảm, trong đó có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm sâu so với mức giảm chung do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng mạnh.

Tương tự, tại TP.HCM, hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc; nhiều doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.

Cơ hội đón đầu “làn sóng” đầu tư thế hệ mới vào ngành

Theo giới chuyên gia, với đà phục hồi tích cực, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón “làn sóng” đầu tư mới vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhất là ở những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Việt Nam đang có cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới và dòng vốn tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các nước đối tác lớn và các tập đoàn đa quốc gia”. Theo ông Tuấn, các ngành công nghiệp có nhiều triển vọng đón dòng vốn dịch chuyển đầu tư đều là các ngành có đóng góp lớn trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam như: chế biến thực phẩm, thiết bị điện tử, thương mại điện tử, logistics, công nghiệp sản xuất hàng điện tử và linh kiện, công nghiệp chế biến, ô tô…

Trên thực tế, nhiều tập đoàn kinh tế lớn như: Apple, Dell… đang dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Tại một diễn đàn tổ chức mới đây, đại diện Boeing Việt Nam cho biết, hãng sẽ tiếp tục đầu tư vào Đông Nam Á, một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam được cho là sẽ dẫn đầu khu vực về nhu cầu máy bay thương mại và Boeing muốn trở thành nhà cung ứng chiến lược cho Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy vậy, để đón được “làn sóng” dịch chuyển đầu tư, vẫn còn nhiều việc phải làm. Lý do là công nghiệp nước ta vẫn còn có những hạn chế cố hữu chưa được cải thiện nhiều, câu chuyện số lượng và chất lượng chưa tương xứng, công nghiệp hỗ trợ tự chủ chưa cao… Ông Tuấn cho rằng, để nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam cần phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy sự liên kết, lan tỏa giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI ở một số ngành công nghiệp định hướng thu hút đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo… Cùng với đó, cần giải được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một số chuyên gia kinh tế khác cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước vẫn phần lớn là gia công lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp, lợi ích thu được không nhiều. Do đó, phát triển nội lực ngành công nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực phát triển ngành công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Chuyên đề