Sản xuất công nghiệp tiếp đà khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với hàng loạt cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời, 4 tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Trong đó, sản xuất công nghiệp khởi sắc, doanh nghiệp (DN) ký được nhiều đơn hàng mới…
Trong tháng 4, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục duy trì xu thế tăng so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Trong tháng 4, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục duy trì xu thế tăng so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng

Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước tiếp tục đà hồi phục. Trong tháng 4, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục duy trì xu thế tăng so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 8,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành khai khoáng tăng 2,6%.

Một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II có IIP tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: thép thanh, thép góc tăng 15,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 13,5%; quần áo mặc thường tăng 12,3%; ô tô tăng 12%; phân đạm tăng 11,1%; phân lân tăng 16,9%...

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 vừa được công bố, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đạt 329 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Theo lãnh đạo Vinatex, kết quả này có được chủ yếu là nhờ tận dụng các lợi thế của thị trường từ cuối năm 2021, hầu hết đơn vị ổn định sản xuất với đơn hàng gia tăng. Cũng theo Vinatex, ngành sợi đã hoàn thành được 63% kế hoạch năm. Với ngành may, tình hình lao động ổn định do dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, có nhiều đơn vị đã ký kết đơn hàng đến quý III/2022.

Với ngành thép, số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) ghi nhận, sản xuất thép thành phẩm quý I năm 2022 đạt 8,456 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 8,137 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu đạt 1,821 triệu tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Thang máy Thiên Nam cho hay, hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đã phục hồi 80% so với thời điểm trước dịch, lượng đơn hàng mới cũng tích cực.

Thách thức vẫn rất lớn

Dự báo về những tháng tới, Bộ Công Thương cho rằng, sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục khởi sắc nhờ các hiệp định thương mại tự do được thực thi một cách đầy đủ, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tác động tích cực đến một số ngành công nghiệp.

Tuy vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp cũng phải đối mặt với không ít thách thức với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang đặc biệt là những bất ổn từ xung đột Nga - Ukraine; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ở một số ngành sản xuất, sản lượng bị kìm hãm do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao.

Trong bối cảnh đó, các DN cho biết đang tích cực thực hiện các giải pháp để phục hồi, phát triển sản xuất. Theo Tổng công ty Thép Việt Nam, đơn vị tiếp tục tăng nhịp độ sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ở mức cao nhất. Đặc biệt, đặt tôn chỉ chất lượng cao lên trên hết để sản phẩm thép trong hệ thống tiếp tục được các chủ đầu tư, nhà thầu trong nước và quốc tế tin tưởng sử dụng.

Ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam cho biết, Công ty đang tập trung nhân lực, máy móc để thúc đẩy sản xuất; đồng thời, tìm các nguồn cung hàng mới để giảm thiểu rủi ro ro đứt gãy chuỗi cung ứng…

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời.

Đặc biệt, để hạn chế rủi ro trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến Việt Nam cách đây ít ngày, thay mặt Chính phủ, đại diện Bộ Công Thương và Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác ngăn ngừa gián đoạn chuỗi cung ứng, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển công nghiệp.

Chuyên đề