Tiền từ cổ phần hóa DNNN bù ngân sách nhiều hơn là xây bệnh viện, nông thôn mới

Trong tổng số 100.000 tỷ đồng tiền thoái vốn và cổ phần hóa DNNN, chỉ dành 35.000 tỷ đồng cho việc xây dựng bệnh viện, nông thôn mới nhưng dành tới 40.000 tỷ đồng để đưa vào cân đối ngân sách.
Tiền từ cổ phần hóa DNNN bù ngân sách nhiều hơn là xây bệnh viện, nông thôn mới

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng phương án sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa DNNN, Bộ Tài chính đã tính toán nguồn thu dự kiến, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội về phương án sử dụng nguồn thu cổ phần hóa.

Ưu tiên xây dựng bệnh viện, nông thông mới, chống ngập lụt...

Theo đó, nguồn vốn này sẽ tập trung cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các dự án. Định hướng sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp năm 2015 và các năm tiếp theo khoảng 100.000 tỷ đồng vào các nội dung như:

Chi hỗ trợ đầu tư bệnh viện tuyến Trung ương khoảng 20.000 tỷ đồng; Chi hỗ trợ Chương trình xây dựng nông thôn mới khoảng 15.000 tỷ đồng; Chi hỗ trợ Chương trình chống ngập lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10.000 tỷ đồng;

Bổ sung nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA trọng điểm do các Bộ, ngành, địa phương làm chủ đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng; Xử lý hụt thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2015 khoảng 10.000 tỷ đồng; Đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước năm 2016 khoảng 30.000 tỷ đồng để tăng chi đầu tư phát triển.

Trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về phương án sử dụng nguồn thu và đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, theo đó sử dụng để xử lý hụt thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2015 khoảng 10.000 tỷ đồng và đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước năm 2016 khoảng 30.000 tỷ đồng để tăng chi đầu tư phát triển như đã nêu trên.

Trước đó, Đại biểu Trương Văn Vở, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã đưa ra câu hỏi chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đã yêu cầu với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII về giải pháp, lộ trình thời gian thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nâng cao hiệu quả của cơ chế đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước theo hướng tách chức năng chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước; Xây dựng phương án sử dụng và quản lý nguồn vốn từ kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Quy định đã tách bạch chức năng chủ sở hữu và quản lý Nhà nước

Cũng liên quan đến việc tách bạch chức năng chủ sở hữu và quản lý Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết theo Kết luận số 50-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị định số 99 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các văn bản liên quan, đã quy định rõ hơn quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước về vấn đề này.

Cũng theo Bộ Tài chính, để nâng cao hiệu quả của cơ chế đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước theo hướng tách chức năng chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước, sẽ tập trung một số giải pháp như: Thực hiện tốt Kết luận số 50; các văn bản Nghị định mà Chính phủ ban hành; hoàn thiện bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước phù hợp với quy định.

Các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định, tăng cường sự giám sát của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân đối với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư