Nông thôn mới Mù Cang Chải: Sẽ đi qua nhọc nhằn

(BĐT) - Đặt chân đến “thiên đường” ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) lần thứ 4 nhưng sự háo hức và đắm say của chúng tôi chưa bao giờ vơi cạn. 
Thi công đoạn đường bê tông vào xã Chế Tạo
Thi công đoạn đường bê tông vào xã Chế Tạo

Đặc biệt đây là chuyến đi khó quên khi chúng tôi có hành trình gian khổ đến bản Háng Tày, thuộc xã Chế Tạo, địa phương xa, khó khăn nhất của xứ Mù, sau gần trọn một ngày trời men theo đường rừng quanh co, hiểm trở, với cơn mưa rừng bất chợt. Có đi mới thấy hết sự khó khăn, nhọc nhằn và không ít những đổi thay của Mù Cang Chải trên con đường xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Ngược trời vào bản

Khi sương trên đỉnh núi ở trung tâm thị trấn Mù Cang Chải vẫn còn vấn vít, lãng đãng xa xa thì đoàn cán bộ UBND huyện Mù Cang Chải đã “đổ bộ” đón chúng tôi để thực hiện hành trình vào bản Háng Tày cách trung tâm huyện 35 km, có diện tích tự nhiên 23,658 ha.

Ngồi sau xe cán bộ địa phương, đón những cơn gió lùa mát lạnh chúng tôi ngược trời vào Chế Tạo với niềm hân hoan. Rôm rả chuyện về phong tục tập quán bỗng cán bộ huyện Giàng A Sinh nói: “Chúng ta đang đi trên con đường độc đạo trước đây từng được mệnh danh là “con đường đau khổ” vì gập ghềnh sỏi đá, một bên là núi, một bên là vực sâu… đó nhà báo à”. Háo hức, xen lẫn lo lắng khi lời cán bộ Sinh vừa dứt. Nhưng thật ngạc nhiên, đi hết 15 km đường núi quanh co, xe máy cứ thế chạy vun vút dưới rừng thông xanh thẳm. Đi sâu hơn vào xã có đoạn đường phải dừng lại đi bộ vì công trường đang thi công, không khí thật hối hả, tiếng của máy xúc, của người thợ đường vang vọng núi rừng.

Hết quãng đường bê tông, chúng tôi mới thật sự trải nghiệm cung đường “đau khổ” dù cán bộ người Mông dẫn đường đều là tay lái “cứng”. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đi hết 35 km này với nhiều đoạn đường đèo dốc quanh co, đá lớn, đá bé ngổn ngang. Đặc biệt, theo con đường ngược trời, đến khi đi từ Chế Tạo vào bản Kể Cả, Háng Tày - 2 bản cách trung tâm xã gần 20 km - chúng tôi mới thấm thía “cái khó” của bản xa nhất Mù Cang Chải với cung đường chủ yếu đi quanh lưng chừng núi, xuyên rừng, lội suối… Vậy mà như cán bộ huyện chia sẻ thì đây thực sự là con đường mơ ước. Trước đây khoảng chục năm, muốn vào Chế Tạo chỉ có thể đi bộ, mỗi lần đi từ huyện vào xã phải mất cả ngày đường.

Ròng rã từ sáng đến lúc nắng chiều tắt sau đỉnh núi chúng tôi mới có mặt tại bản Háng Tày, nơi ánh điện còn yếu ớt, điện thoại phải buộc sào nứa hứng sóng ngoài sân. Chân có chạm, mắt có thấy, chúng tôi mới thấm lời ông Giàng A Vừ, Phó Chủ tịch huyện Mù Cang Chải chia sẻ trước khi chúng tôi trải nghiệm thực địa, giao thông đã, đang và sẽ là một tiêu chí cực khó đạt được đối với Mù Cang Chải. Bởi lẽ, sau 5 năm XDNTM, đến nay 100% thôn, bản của huyện đã có đường đi được xe máy, nhưng chỉ 60% số bản xe máy đi được 4 mùa, 40% còn lại nếu gặp trời mưa thì... đi bộ cũng còn khó. Để đổ bê tông hay rải nhựa những con đường đến với các thôn, bản xa này, ông Vừ khẳng định là không thể thực hiện trong cả chục năm tới. Bởi lẽ, có những thôn, bản mà đường đi từ trung tâm xã đến thôn khoảng 20 km, chủ yếu vẫn là đường mòn, dốc và lổn nhổn đá. Nguyên vật liệu mang lên đây sẽ phải sử dụng sức người là chủ yếu… 

Mong một kỳ tích

5 năm (2011 - 2015) XDNTM của Mù Cang Chải cho thấy, địa phương đã hoàn thành và bảo đảm bộ máy chỉ đạo, quản lý chương trình đồng bộ ở các cấp huyện, xã, thôn, bản để đạt một số kết quả rõ nét như: sản xuất nông lâm nghiệp, diện tích lúa gieo trồng toàn huyện đã tăng lên 4.260 ha; đào tạo cho 2.600 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 16,2% lên 27%; huy động các nguồn lực đầu tư với tổng kinh phí 2.680 tỷ đồng để cải tạo, xây mới các công trình cầu, cống, thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng, sửa chữa trường học, công trình nước sinh hoạt, mở mới, nâng cấp đường giao thông.

Kết quả này được đánh giá là khiêm tốn và Mù Cang Chải còn rất nhiều việc để làm, thậm chí đích hoàn thành XDNTM của địa phương hiện còn rất xa. Bởi, Mù Cang Chải có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, sống rải rác ở hàng trăm thôn, bản với địa hình chia cắt phức tạp... Chính vì vậy, XDNTM ở địa phương này gặp bộn bề những khó khăn. Cũng bởi vậy, ông Giàng A Vừ dù hết sức tự hào, phấn khởi về kết quả NTM của địa phương nhưng không khỏi trăn trở, băn khoăn cho giai đoạn thực hiện sắp tới. Theo ông Vừ,  Mù Cang Chải khó có thể xây dựng NTM thành công một cách sớm nhất do điều kiện tự nhiên và xã hội vùng cao còn khó khăn, giao thông cách trở, nơi đây vẫn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu trong sản xuất và sinh hoạt. Nhận thức về trách nhiệm thực hiện các tiêu chí của người dân, thậm chí kể cả cán bộ xã còn rất hạn chế.

Đặc biệt, cái khó của Mù Cang Chải là chính sách đầu tư của Nhà nước, của Tỉnh cho chương trình NTM còn quá ít so với nhu cầu thực tế. 5 năm qua, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng NTM là hơn 500 tỷ đồng huy động từ nhiều nguồn (vốn trực tiếp cho chương trình NTM, vốn 30a, vốn vay tín dụng, trái phiếu chính phủ, vốn của dân…) nhưng lại phải chia nhỏ ra cho 13 xã.  “Với tiêu chí giao thông, Mù Cang Chải vẫn phải linh hoạt thực hiện theo cách: đổ bê tông những đoạn xung yếu, đoạn nào vẫn có thể đi được thì chỉ phát quang, san gạt cho bớt khó”, ông Vừ cho hay. Vốn ít, đường lại dài… có lẽ chính là lý do mà con đường vào Chế Tạo dài 35 km, nhưng dự kiến phải 7 năm mới hoàn thành. Và trong khi những km đường cuối cùng còn chưa hoàn thiện thì những km đường đầu tiên đã bắt đầu xuống cấp.

Không quá khó như Chế Tạo, nhưng đường vào các thôn, bản ở xã Lao Chải, Khao Mang, Nậm Có... vừa dài, vừa xa trung tâm, lại có địa hình phức tạp như vậy, để đạt tiêu chí giao thông của chương trình XDNTM quả thực là một thách thức vô cùng lớn đối với các xã này nói riêng, với huyện Mù Cang Chải nói chung. Vì vậy, hiện huyện Mù Cang Chải không đặt mục tiêu về đích cho XDNTM vào năm 2030, mà chỉ cố gắng trong khả năng có thể để thực hiện chương trình. Mặc dầu bộn bề khó khăn để thực hiện thành công XDNTM, nhưng với sự quyết tâm của địa phương, chúng tôi mong rằng khi mùa xuân mới về mang theo khát vọng đổi thay thì chắc không xa, Mù Cang Chải sẽ đi qua nhọc nhằn để đạt những kết quả đáng khích lệ. Để rồi nếu có dịp trở lại, chúng tôi sẽ được thấy nụ cười rực rỡ tỏa nắng trên khuôn mặt những người phụ nữ Mông hiền hậu, gặp những bước chân trẻ nhỏ rộn rã trên những con đường đổ bê tông uốn lượn quanh kiệt tác ruộng bậc thang, dưới rừng thông rì rào gió nối bản xa với trung tâm huyện.

Chuyên đề