Tăng giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong giai đoạn 2014 - 2020, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy vậy, dư địa cải cách vẫn còn rất nhiều bởi vẫn còn không ít điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp (DN).
Năm 2015, Việt Nam có khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh, nhưng đến hết năm 2019, đã cắt giảm được hơn 50%. Ảnh: Tiên Giang
Năm 2015, Việt Nam có khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh, nhưng đến hết năm 2019, đã cắt giảm được hơn 50%. Ảnh: Tiên Giang

Dư địa còn nhiều

Một trong những bài học từ nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: Kết quả, bài học và định hướng 2021 - 2025” là phải tiếp tục giữ lửa cải cách đủ nóng, đủ ấm để thúc đẩy cải cách giai đoạn tới.

Ông Cung đánh giá, hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả như: xếp hạng quốc tế tăng lên; nhiều ĐKKD được cắt giảm, đơn giản hóa; hoạt động quản lý, KTCN được cải thiện… Tuy nhiên, các thành quả có thể bị đẩy lùi, các rào cản đối với đầu tư, kinh doanh có thể nhanh chóng phục hồi nếu quyết tâm và nỗ lực cải cách không được duy trì thường xuyên và đủ mạnh…

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM cho biết, năm 2015, Việt Nam có khoảng 6.000 ĐKKD, nhưng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, đến hết năm 2019, theo báo cáo của các bộ, đã cắt giảm được hơn 50%. Về cơ bản, các ĐKKD quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đã được cắt bỏ. Một số ĐKKD được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho DN… Tuy nhiên, hiện vẫn còn ĐKKD không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng.

Liên quan đến thủ tục về quản lý, KTCN, bà Thảo đánh giá, đây vẫn là nỗi lo lớn đối với DN khi những thay đổi tích cực trong quản lý, KTCN vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của DN. Thực tế, số lượng văn bản quá nhiều, gây khó khăn, lúng túng cho cả DN và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng. Chất lượng văn bản chưa cao, thường xuyên thay đổi, điều chỉnh cũng dẫn tới khó khăn cho DN để cập nhật và chuẩn bị đáp ứng yêu cầu…

Tiếp tục thúc đẩy cải cách

Tiếp lửa cho cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nhìn nhận: “Có thể nói, Nghị quyết 02 năm 2021 là Nghị quyết 02 năm 2019 cộng 4” với việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 02 năm 2019, đồng thời bổ sung thêm 4 nhóm giải pháp. Đó là giải quyết các vướng mắc, bất cập tạo ra đối với DN, người dân do sự thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan; chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số; thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững; tiếp tục hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Cung cho rằng: “Chúng ta cần làm những gì chưa làm được, kế thừa, tiếp tục phát triển và mở rộng phạm vi nội dung của Nghị quyết”. Trước hết là đổi mới tư duy và cách thức làm luật. Cùng với đó, cần tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh, gia tăng, gia cố an toàn trong đầu tư, kinh doanh, tiếp tục tạo thuận lợi, dễ dàng cho đầu tư, kinh doanh; phát triển và hoàn thiện thị trường các nhân tố sản xuất …

Để có một môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, năm 2021 cũng như những năm tới, Việt Nam cần tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh danh; thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường…

Chuyên đề