Củng cố niềm tin vào môi trường kinh doanh Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 8/6, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA), đa số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết thông qua Nghị quyết. 
Việc bảo hộ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU tại Việt Nam cũng như nhà đầu tư Việt Nam tại các nước thành viên EU sẽ hiệu quả hơn. Ảnh: Lê Tiên
Việc bảo hộ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU tại Việt Nam cũng như nhà đầu tư Việt Nam tại các nước thành viên EU sẽ hiệu quả hơn. Ảnh: Lê Tiên

Khi được ban hành, Nghị quyết sẽ tạo khung pháp lý đầy đủ và hiệu quả cho hoạt động bảo hộ đầu tư giữa hai bên, góp phần củng cố niềm tin đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Cần thiết cho việc thi hành kịp thời EVIPA

Trình bày Tờ trình về Dự thảo Nghị quyết tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 2 mục tiêu lớn của Nghị quyết. Đó là thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; thi hành đầy đủ, nhất quán, đúng lộ trình cam kết của Việt Nam về cơ chế công nhận và thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định tại Điều 3.57 của EVIPA, mỗi bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính theo phán quyết đó trên lãnh thổ của mình. Hiện pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của EVIPA.

Đánh giá của Chính phủ về tác động của việc ban hành Nghị quyết cho thấy, các quy định của Dự thảo Nghị quyết góp phần thực hiện quyền của các bên tranh chấp một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Đối với Nhà nước, việc ban hành Nghị quyết không tạo ra một cơ chế mới để nhà đầu tư kiện Nhà nước Việt Nam, không tăng rủi ro thua kiện của Việt Nam…

Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành một nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, nội dung của Dự thảo Nghị quyết tương thích với các điều ước quốc tế liên quan như: Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài, EVIPA cũng như 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên EU.

“Việc Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết thể hiện thiện chí và quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện EVIPA, tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định”, Ủy ban Tư pháp nhận định. 

Bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi

Cơ quan thẩm tra lưu ý, Dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ để tránh hiểu là Tòa án Nhân dân tối cao phải ban hành thủ tục riêng để công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA. Hơn nữa, việc quy định trách nhiệm của Tòa án Nhân dân tối cao trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết (Điều 3 Dự thảo Nghị quyết) đã bao hàm nội dung này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) băn khoăn khi việc thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài theo Công ước New York gặp một số khó khăn khiến các tổ chức trọng tài cũng như các doanh nghiệp than phiền. Cụ thể, theo ông Nghĩa, hiện người dân cũng như doanh nghiệp trong nước coi việc thi hành án dân sự là “nỗi đoạn trường”. “Vì vậy, khi Nghị quyết được thông qua thì phải coi phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp như bản án của tòa án dân sự có hiệu lực thi hành, và các bên có liên quan có nghĩa vụ thực hiện theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự”, ông Nghĩa kiến nghị.

Để Hiệp định EVIPA được hiểu và áp dụng thống nhất, hạn chế tối đa xảy ra tranh chấp, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề nghị, Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung và làm rõ một số nội dung: về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết, trong đó làm rõ thời điểm ban hành phán quyết hay thời điểm yêu cầu công nhận phán quyết; thủ tục công nhận phán quyết…

Làm rõ việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là vấn đề mới, chưa có thực tiễn áp dụng, do đó cần rà soát toàn bộ quy định của pháp luật liên quan để nghiên cứu thiết kế nội dung phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Chuyên đề